SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của độ mặn lên sinh trưởng, tỷ lệ sống và thời gian biến thái của ấu trùng hàu hương (Spondylus gloriosus Dall, Bartsch & Rehder, 1938)

[31/05/2024 08:28]

Nghiên cứu ảnh hưởng của độ mặn lên sinh trưởng, tỷ lệ sống và thời gian biến thái của ấu trùng hàu hương (Spondylus gloriosus) nhằm bước đầu xác định khoảng độ mặn thích hợp trong ương nuôi ấu trùng hàu hương từ giai đoạn ấu trùng chữ D đến giai đoạn ấu trùng bám. Nghiên cứu thực hiện với 3 nghiệm thức (NT) độ mặn khác nhau (29‰, 32‰, 35‰), các nghiệm thức được lặp lại 3 lần và bố trí ngẫu nhiên trong các thùng xốp có kích thước 85*50*50cm.

Ảnh minh họa: Internet

Hàu hương (S. gloriosus) là đối tượng mới, giá trị dinh dưỡng cao, tỷ lệ cơ khép vỏ cao nhưng chưa được quan tâm nhiều. Từ những năm 1970s hàu hương được khai thác chủ yếu để thu hoạch cơ khép vỏ làm thực phẩm và thu vỏ làm đồ mỹ nghệ, do đó nguồn lợi hàu hương ngoài tự nhiên bị cạn kiệt, đưa vào tình trạng đe dọa ở hàu hết các nước và chịu sự quản lý nghiêm ngặt trong việc khai thác đặc biệt ở Mexico và Ecuado. Trước sự giảm sút về sản lượng từ quần đàn ngoài tự nhiên thì các quốc gia này đã có những nghiên cứu ban đầu về phân loại, phân bố, đặc điểm sinh học sinh thái, quản lý đánh bắt và tuyên truyền với người dân nhằm nỗ lực bảo tồn đối tượng này (Cesar Lodeiros et al. 2016).

Tại Việt Nam sản lượng hàu hương cung cấp ra thị trường chủ yếu khai thác từ tự nhiên, do đó dẫn đến việc khai thác cạn kiệt nguồn lợi hàu hương nói riêng và nguồn lợi động vật thân mềm nói chung. Tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa có công trình nghiên cứu nào tiến hành trên đối tượng này, do đó các thông tin về nuôi và sản xuất giống còn hạn chế. Vì vậy, việc nghiên cứu quy trình sản xuất giống nhân tạo hàu hương nhằm mở ra hướng đi và phát triển thêm đối tượng đầy tiềm năng này. Việc sản xuất giống đối tượng này còn hạn chế, chưa có quy trình kỹ thuật trong việc ương nuôi ấu trùng. Vì vậy việc thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của độ mặn lên sinh trưởng, tỷ lệ sống, thời gian biến thái của ấu trùng hàu hương Spondylus gloriosus Dall, Bartsch & Rehder, 1938” nhằm bước đầu xác định một số chỉ tiêu kỹ thuật trong ương nuôi ấu trùng hàu hương.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian biến thái của ấu trùng qua các giai đoạn khi ương nuôi ở các độ mặn 29‰, 32‰, 35‰ có sự khác nhau rõ ràng, trong đó ở nghiệm thức 29‰ và 32‰ có thời gian biến thái sớm hơn, trong đó thời gian từ giai đoạn Trochophore  đến giai đoạn ấu trùng bám là 408,00 và 376,00 giờ, ở nghiệm thức có độ mặn 35‰ có thời gian biến thái chậm hơn so với nghiệm thức 29 và 32‰ (416,00 giờ).

Các nghiên cứu về ảnh hưởng của độ mặn đến thời gian biến thái trên đối tượng hàu hương nói riêng và động vật thân mềm hai mảnh vỏ nói chung còn rất hạn chế. Các nghiên chủ yếu tập trung vào ảnh hưởng tới sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng giai đoạn sống trôi nổi cũng như ấu trùng sống đáy. Nghiên cứu của Ngô Anh Tuấn, 2005 trên Điệp seo cho thấy ở các ngưỡng độ mặn và các loại thức ăn khác nhau thì thời gian biến thái của điệp seo từ 15 - 19 ngày, trong đó ở độ mặn 30 - 32‰ và thức ăn sử dụng kết hợp 2 loài tảo tươi đơn bảo Nannochloropsis oculata và Tetraselmis sp cho thời gian biến thái ngắn nhất (15 ngày).

Kích thước của ấu trùng hàu hương giai đoạn ấu trùng đỉnh vỏ khi ương ở độ mặn 29 - 35‰ dao động từ 167,70 - 170,52μm; tỷ lệ sống của các nghiệm thức dao động từ 68,5 - 72,6% không có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức (P>0,05). Kích thước của ấu trùng hàu hương giai đoạn ấu trùng sống bám dao động từ 182,50 - 189,50μm, tỷ lệ sống từ 16,67 - 30,67%, trong đó tỷ lệ sống thấp nhất ở nghiệm thức 35‰ và có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với 2 nghiệm thức còn lại 32 và 35‰ (P<0,05). Thời gian biến thái của ấu trùng từ giai đoạn ấu trùng bánh xe đến giai đoạn ấu trùng bám khi ương ở độ mặn 29 - 35‰ từ 376,00 -  416,00  giờ,  trong  đó  thời  gian  biến  thái ở  nghiệm  thức  29‰,  32‰  sớm  hơn  so  với nghiệm thức 35‰ và có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,05).

Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài