SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Thứ 7 Ngày 5/4/2025 | 05:35:43 [PM]
Ảnh hưởng của tần suất cho ăn lên kết quả ương cá sủ đất (Protonibea diacanthus Lacepède, 1802) giai đoạn giống

[31/05/2024 08:36]

Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của tần suất cho ăn lên các chỉ tiêu sinh trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá sủ đất (Protonibea diacanthus) giai đoạn giống nhằm tối ưu hóa quy trình ương và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ảnh minh họa: Internet

Trong nuôi trồng thủy sản nói chung, tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá nằm trong số những chỉ tiêu quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình sản xuất. Sự tăng trưởng của cá chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, bao gồm kích cỡ và loại thức ăn, tần suất cho ăn, tỷ lệ cho ăn, lượng thức ăn sử dụng và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Trong số này, tần suất là một trong những yếu tố chính có ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng của cá. Tần suất cho ăn tối ưu là rất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng, tỷ lệ sống tối ưu, cải thiện khả năng miễn dịch và khả năng chống căng thẳng. Tần suất cho ăn thấp hơn mức tối ưu dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá, tuy nhiên, tần suất cho ăn cao hơn không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn tích tụ chất thải ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước. Chính vì vậy, việc xác định tần suất cho ăn trong nuôi trồng thủy sản nói chung là một yếu tố quan trọng đối với sự thành công của quá trình sản xuất. Bởi thức ăn chiếm tỷ lệ cao nhất, ước tính 50 - 60% tổng chi phí sản xuất, việc tối ưu hóa thông số này được quan tâm và nghiên cứu trên nhiều đối tượng nuôi. Nhiều nghiên cứu về tần suất cho ăn trên các loài cá biển nuôi đã được thực hiện, với phạm vi dao động từ 3 ngày/lần - 12 lần/ngày, phổ biến nhất từ 2 - 6 lần/ngày, tùy theo loài, giai đoạn phát triển, loại thức ăn sử dụng và nhiều yếu tố khác. Trong một phạm vi nhất định, việc tăng tần suất cho ăn có thể mang lại tác động tích cực đến các chỉ tiêu tăng trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn cũng như nhiều chỉ tiêu sức khỏe của cá và môi trường ương nuôi. Tuy nhiên, một số loài cá, việc tăng tần suất cho ăn không giúp cải thiện kết quả ương nuôi. Chính vì vậy, việc xác định tần suất cho ăn tối ưu với từng loài cá, thậm chí là từng giai đoạn cụ thể là rất cần thiết nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường của hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Cá sủ đất (Protonibea diacanthus Lacepède, 1802) là một loài cá biển có giá trị kinh tế cao, phân bố rộng khắp vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Loài cá này thuộc họ cá Đù (Sciaenidae), sống ở vùng nước ven biển và cửa sông có độ sâu dưới 60 m. Cá sủ đất có thể đạt kích thước lớn, với chiều dài tối đa ghi nhận được là hơn 150 cm và khối lượng 42 kg. Thịt cá sủ đất có hương vị thơm ngon, giàu protein và axit béo không bão hòa, đặc biệt là axit béo omega-3. Bên cạnh đó, bóng hơi cá sủ đất còn được biết đến có giá trị rất cao, được sử dụng làm thực phẩm cao cấp và y học với kỳ vọng giúp nâng cao sức khỏe tổng thể sau phẫu thuật, sau sinh hay làm đẹp. Mặc dù các tác dụng này chưa được nghiên cứu bài bản trong y học hiện đại và cần có thêm bằng chứng khoa học để xác nhận, bóng hơi của cá sủ đất rất được ưa chuộng, đặc biệt ở các nước như Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông và Đài Loan), Hàn Quốc và Ấn Độ. Do nhu cầu thị trường ngày càng tăng trong khi nguồn cung hạn chế, việc khai thác quá mức đã làm nguồn lợi tự nhiên của cá sủ đất đã suy giảm đáng kể trong những năm gần đây. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và bảo tồn nguồn lợi, việc phát triển nghề nuôi cá sủ đất đã trở thành một hướng đi mới và thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như người nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, sản xuất giống và ương nuôi cá sủ đất vẫn còn gặp nhiều thách thức do thiếu hiểu biết về các đặc điểm sinh học, yêu cầu dinh dưỡng và kỹ thuật nuôi phù hợp cho loài này. Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả ương cá sủ đất giai đoạn giống, tần suất cho ăn đóng một vai trò quan trọng. Việc xác định tần suất cho ăn tối ưu không chỉ giúp cải thiện tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn mà còn góp phần giảm chi phí sản xuất và các tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay, cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới, hầu như chưa có nghiên cứu nào về tác động của tần suất cho ăn lên cá sủ đất. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của yếu tố này lên kết quả ương cá sủ đất giai đoạn giống, làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi loài cá biển có giá trị kinh tế cao này ở nước ta.

Nghiên cứu này cho thấy tần suất cho ăn ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá sủ đất giai đoạn giống. Cá được cho ăn 4 - 5 lần/ngày thể hiện kết quả vượt trội về các chỉ tiêu trên so với 2 lần/ngày. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa việc cho ăn 4 và 5 lần/ngày. Kết quả này gợi ý tần suất cho ăn 4 lần/ngày là phù hợp trong ương nuôi cá sủ đất giai đoạn giống, vừa tối ưu hóa sinh trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn, vừa tiết kiệm chi phí nhân công. Nghiên cứu đóng góp quan trọng cho việc hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá sủ đất.

Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ