Tối ưu hóa qui trình vận chuyển sống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) không dùng nước
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra qui trình tối ưu để vận chuyển sống tôm càng xanh không dùng nước.

Ảnh minh họa: Internet
Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergiiDe man, 1879) là một trong những mặt hàng thủy sản được ưa chuộng bởi vị ngon và tính bổ dưỡng của chúng, được người tiêu dùng chọn lựa vì tôm có kích cỡ lớn, hình thái và cảm quan rất hấp dẫn thực khách. Nhưng với điều kiện tôm phải còn sống, khỏe mạnh, có đầy đủ càng, chân bơi, chân bò và các phần phụ khác. Tôm càng xanh đặc trưng bởi có bộ càng lớn, đây cũng là một khó khăn khi vận chuyển tôm sống tới nơi tiêu thụ. Tuy tôm càng xanh là loài dễ nuôi nhưng không phải nơi nào cũng nuôi được đối tượng này, do đó nhu cần vận chuyển tôm càng xanh từ nơi này tới nơi khác là tất yếu. Phương pháp vận chuyển hải sản sống trong môi trường nước thường chỉ áp dụng cho những khoảng cách và thời gian ngắn. Trong quá trình vận chuyển, không khí hoặc oxy cần được cung cấp liên tục và việc thay nước phải được thực hiện đều đặn trong khoảng 4-5 giờ và phải điều chỉnh nhiệt độ để tránh nước nóng lên.
Tuy nhiên, phương pháp này có nguy cơ gây chết cao do chịu nhiều tác động cơ học và sinh học trong quá trình vận chuyển. Để khắc phục các nhược điểm trên và cung cấp sản phẩm có chất lượng, ổn định và nhanh chóng cho các thị trường trong và ngoài nước, thì phương pháp vận chuyển thủy hải sản sống không dùng nước bằng phương tiện hàng không là rất cần thiết. Ngày nay phương pháp vận chuyển sống hải sản bao gồm tôm, cá, cua,...không dùng nước hoặc hạn chế dùng nước cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng khá phổ biến cho phương tiện vận chuyển bằng đường hàng không. Bonifacio (2005) cho rằng có thể vận chuyển hải sản sống như cá mú, tôm sú, tôm biển, cá hồng, cá chẽm, cá rô phi, cá chim, cá măng, cua và các loại giáp xác khác trong nhiều giờ mà không cần dùng nước. Ông mô tả phương pháp vận chuyển này bằng cách cho chúng ‘ngủ mê’ trong quá trình vận chuyển và sau đó chúng được nhanh chóng ‘thức dậy’ khi được đưa trở lại môi trường nước. Công nghệ vận chuyển thủy hải sản sống không dùng nước hứa hẹn tiết kiệm rất nhiều chi phí vận chuyển khi nó loại bỏ việc sử dụng nước, thường chiếm khoảng 75% khối lượng tổng thể của kiện hàng [8, 10]. Việc gây mê tôm cá trước khi vận chuyển là một biện pháp bắt buộc, ngoài ra phương pháp đóng gói tôm cá với các loại giá thể khác nhau cũng như việc cung cấp dưỡng khí cho tôm cá trong khi vận chuyển giúp tôm duy trì sự sống cũng rất quan trọng. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định loại giá thể phù hợp, phương pháp gây mê hiệu quả, và phương thức đóng gói thích hợp khi vận chuyển sống tôm càng xanh không dùng nước tại các mức thời gian vận chuyển khác nhau với tôm càng xanh kích cỡ lớn (55 - 60 g/con). Mục tiêu nhằm tìm ra qui trình vận chuyển tối ưu giúp giảm chi phí vận chuyển tôm càng xanh thương phẩm sống đến nhiều thị trường khác nhau.
Tỷ lệ sống của tôm càng xanh cỡ lớn (> 55 g/con) sau vận chuyển bằng phương pháp không dùng nước có sự khác biệt (p < 0,05) khi sử dụng các loại giá thể khác nhau, hai phương pháp gây mê nhanh khác nhau và giữa hai phương pháp đóng gói khác nhau. Các nghiệm thức sử dụng giá thể ‘rơm rạ’ hay ‘vải vụn’ kết hợp gây mê ‘lạnh + thuốc mê’ và đóng gói ‘có bơm ôxy’ cho tỷ lệ sống của tôm sau vận chuyển cao nhất liên quan đến thời gian vận chuyển so với các nghiệm thức khác. Tuy nhiên khi xét hiệu suất vận chuyện hữu dụng về khối lượng cho thấy các loại giá thể ‘ống HDPE’ hay ‘hạt nhựa’ có hiệu suất cao hơn, và hiệu suất vận chuyện hữu dụng về thể tích thì giá thể ‘ống HDPE’ và ‘vải vụn’ cho hiệu suất cao hơn. Vì vậy tùy theo thời gian vận chuyển, loại giá thể, phương pháp gây mê và đóng gói được lựa chọn và áp dụng một cách linh hoạt nhằm đạt tỷ lệ sống và hiệu suất hữu dụng cao nhất.
Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản Trường ĐH Nha Trang, Số 2/2024