Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Hướng đến xây dựng thành phố khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ cao (CNC) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng, quyết sách đúng đắn để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là CNC, quyết tâm đẩy nhanh ứng dụng và phát triển CNC ở trong nước, trong đó việc xây dựng và phát triển các khu CNC là một điểm đột phá của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc phát triển Khu CNC Hòa Lạc trong những năm qua đã bám sát trọng tâm gắn kết khoa học và sản xuất với 6 phương châm hoạt động: i) Gắn kết nghiên cứu và triển khai tại Khu với hoạt động nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, dịch vụ công nghệ phạm vi trong và ngoài Khu, đóng vai trò như một cửa khẩu CNC quan trọng của Việt Nam; ii) Chú ý thích đáng đến đào tạo nguồn nhân lực CNC; iii) Xây dựng năng lực nội sinh về nghiên cứu và phát triển CNC, là vườn ươm CNC của Việt Nam; iv) Quan tâm đặc biệt đến phát triển công nghệ phần mềm; v) Liên kết có hiệu quả với Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp trong Khu CNC Hoà Lạc; vi) Đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước…
Về thu hút đầu tư: Tính đến nay, Ban Quản lý đã thu hút được 109 dự án đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài) trên tổng diện tích khoảng 388 ha, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng.
Về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao: Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được một số trường đại học lớn (FPT, KH&CN Hà Nội, Văn Lang, một hợp phần của Trường Đại học Việt - Nhật), với khoảng 40.000 nghiên cứu sinh, sinh viên sinh sống, nghiên cứu và học tập tại Khu.
Về hoạt động nghiên cứu và triển khai: Với hạt nhân là Khu Nghiên cứu và Triển khai (R&D), trong Khu CNC Hòa Lạc đã có một số cơ sở R&D như: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST); Trung tâm Giám sát mạng quốc gia, Trung tâm CA (chứng thực số và bảo mật thông tin) Quốc gia và Nghiên cứu phát triển Chip (thuộc Ban cơ yếu Chính phủ); Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; Trạm điều khiển Vệ tinh nhỏ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN); Nissan Techno Việt Nam - Trung tâm Kỹ thuật ô tô Hoà Lạc...
Về hoạt động sản xuất sản phẩm CNC: Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút các dự án sản xuất sản phẩm CNC có giá trị gia tăng cao thay thế hàng nhập khẩu và tham gia thị trường thế giới như: rada cảnh giới biển ứng dụng công nghệ 4G, 5G; giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot (xử lý ngôn ngữ tự nhiên), Akachain (nền tảng ứng dụng blockchain cho doanh nghiệp)…; cấu kiện động cơ máy bay, các dụng cụ cắt gọt CNC trong công nghiệp hàng không; mô-tơ điện một chiều không chổi than và thiết bị tản nhiệt; hệ thống bảo vệ điều khiển tích hợp trạm biến áp; các tủ điện hạ thế, trung thế với công nghệ được chuyển giao từ các hãng sản xuất thiết bị điện hàng đầu thế giới…
Về hoạt động ươm tạo CNC, doanh nghiệp CNC và đổi mới sáng tạo: Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CNC (hiện nay là Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo CNC) trực thuộc Ban Quản lý được thành lập từ năm 2006, là một trong một số ít đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện chức năng hỗ trợ ươm tạo, khởi nghiệp.
Trong 25 năm xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc, mặc dù còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, cơ chế chính sách..., nhưng đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã giải phóng mặt bằng được 90% diện tích, hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ; đã thiết lập môi trường chính sách đặc biệt và thu hút được một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các CNC, công nghệ tiên tiến. Khu CNC Hòa Lạc đã sản xuất được các sản phẩm CNC, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và khu vực, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn lao động chất lượng cao, bắt đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất, thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Khu CNC Hòa Lạc cũng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng thông qua việc nộp thuế vào ngân sách địa phương, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Đặc biệt là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Như vậy, Khu CNC Hòa Lạc đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, mang tính quyết định trong quá trình hình thành và phát triển để bắt đầu chuyển sang giai đoạn bứt phá mạnh mẽ trong công tác thu hút đầu tư, phát triển KH&CN.
Tạp chí KH&CN Việt Nam số 5 năm 2024 (trang 36-37)