SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chuyển đổi số và xanh: Con đường ngắn nhất để đi đến một tương lai tươi sáng

[04/06/2024 15:54]

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số là một xu thế tất yếu của cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để đi đến một tương lai Việt Nam tươi sáng. Diễn đàn năm nay có chủ đề: “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số”, diễn ra trong 2 ngày 28-29/05/2024 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Diễn đàn

Xu thế tất yếu

Tham dự, lắng nghe các tham luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại Diễn đàn. Theo Phó Thủ tướng, “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số” là một chủ đề có ý nghĩa của Diễn đàn, đây cũng là một xu thế tất yếu của cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Và có lẽ là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để đi đến một tương lai Việt Nam tươi sáng.

Với tố chất thông minh, chịu thương chịu khó, sẵn sàng và nhanh chóng tiếp cận cái mới của người Việt Nam, Phó Thủ tướng nhận định đây là lợi thế của Việt Nam. Đối với chuyển đổi xanh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải…

Phó Thủ tướng đánh giá, trong thời gian qua, chuyển đổi số đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, giúp chúng ta tự tin hơn, hào hứng hơn và cũng nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Chuyển đổi số được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, từ tư pháp, nông nghiệp, ngân hàng…; có sự đầu tư khá mạnh mẽ và nhanh chóng cho hạ tầng số (81,7% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng và 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang). Doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó Công ty Cổ phần FPT có sự khởi đầu ngoạn mục và ngày càng có vị thế cao hơn, tốt hơn trong cuộc cạnh tranh chung của khu vực. Doanh thu của lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 142 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ký thỏa thuận đầu tư với các tập đoàn lớn trong sản xuất chip, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), ô tô điện.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực, cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT khẳng định: chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số tại cả Việt Nam và châu Á. Cả thế giới đang bước sang giai đoạn phát triển thông minh với 2 xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nó vừa là động lực, là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trong điểm này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của đầu thế kỷ XXI. 2 chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh, chúng đi với nhau và hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì cũng phải dùng chuyển đổi xanh. 2 chuyển đổi này cũng sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn

Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn mang tính chiến lược. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%; kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Năm 2023, theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số đã đóng góp khoảng 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20%.

Nhưng cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều cần đến công nghệ số. Mà công nghệ số thì cốt lõi là chip bán dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo xong phiên bản cuối cùng của chiến lược quốc gia về phát triển chip bán dẫn. Cũng theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Dám ứng dụng, dám đi đầu trong ứng dụng và ứng dụng an toàn sẽ tạo ra sự phát triển và cũng tạo ra sự hoàn thiện công nghệ”.

6 việc cần làm ngay để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế như không phải ai cũng quan tâm đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kể cả những người có trách nhiệm và không phải ai cũng thích sự minh bạch nên muốn làm theo cách truyền thống. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nêu rõ cơ chế, chính sách, thể chế thực sự chưa tạo ra một "đường băng" để cho mọi việc cất cánh; hạ tầng số, nền tảng cho tăng trưởng xanh có sự phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực chưa thực sự được ưu tiên và chưa được ứng xử như là một lĩnh vực tiên phong; còn có những chỉ số còn thấp trên bảng xếp hạng thế giới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm gì và nên làm gì? Phó Thủ tướng cho rằng, có 6 việc phải làm:

Thứ nhất, cần thiết phải có sự nhìn nhận đúng mức, đúng mực về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trước hết là "thông về tư tưởng", từ đó mới tự tin làm, để dám dấn thân bởi nếu không dấn thân thì khó có kết quả.

Thứ hai, cần chú trọng đầu tư hạ tầng số, đặc biệt là những lĩnh vực, khu vực có nhu cầu và có tác động lan tỏa đến sự phát triển và phải được thực hiện theo thứ tự ưu tiên vì nguồn lực ngân sách không đủ làm tất cả mọi việc, có thể dùng để làm "vốn mồi", đồng thời phải phải huy động nguồn lực ngoài ngân sách.

Thứ ba, về đào tạo nhân lực, Phó Thủ tướng chia sẻ sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là khả năng thu hút nguồn lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao. TP Hải Phòng là một điển hình khi luôn duy trì khá tốt mức thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây vì sở hữu nguồn nhân lực dồi dào.

Thứ tư, đối với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030, Việt Nam đang triển khai theo hướng gắn lý thuyết với thực hành thông qua kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Intel, Samsung, LG. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đào tạo phải gắn với thực hành và giải quyết việc làm, nhất là trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, cho nên lý tưởng nhất là học ngay trong xưởng hoặc bố trí nơi đào tạo gần cơ sở sản xuất.

Thứ năm, Nhà nước và doanh nghiệp đều cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp trên tinh thần chấp nhận rủi ro, chấp nhận mạo hiểm.

Thứ sáu, cố gắng khai thác, tận dụng tốt những thành tựu của thế giới thông qua hợp tác quốc tế, thu hút các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hay phát huy vai trò cầu nối của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

https://vjst.vn (tnxmai)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài