SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của sản phụ đẻ non tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và một số yếu tố liên quan

[05/06/2024 09:39]

Tác giả Nguyễn Thị Hồng - Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên và các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và nhận xét một số yếu tố liên quan của sản phụ đẻ non tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên năm 2021 - 2022.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đẻ non được định nghĩa là những trẻ sinh ra còn sống trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Tại Việt Nam, theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuổi thai đẻ non là từ hết 22 tuần đến hết 36 tuần 6 ngày thai nghén tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Ở các quốc gia, tỷ lệ sinh non dao động từ 4 - 16% số trẻ sinh năm 2020. Tại Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có thống kê trên cả nước về tỷ lệ đẻ non mà chỉ có những nghiên cứu tại từng vùng miền hoặc từng bệnh viện. Nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ về đẻ non năm 2002 của Nguyễn Công Nghĩa cho thấy tỷ lệ đẻ non tại Hà Nội là 11,8%. Theo tác giả Nguyễn Thị Minh Thanh, tỷ lệ đẻ non tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội năm 2018 là 11,3%.

Đẻ non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Việc dự báo các nguy cơ đẻ non là một biện pháp hữu hiệu để làm giảm tỷ lệ đẻ non và các hậu quả của đẻ non gây ra. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là một trong 6 bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế ở khu vực Trung du Miền núi phía Bắc.

Các tác giả thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang 155 sản phụ đẻ non tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 12 năm 2022. Số liệu được quản lý và phân tích bằng phần mềm SPSS 25.0.

Kết quả cho thấy: Sản phụ có biểu hiện kết hợp nhiều triệu chứng: Đau bụng kèm ra máu hoặc ra nước hoặc ra dịch âm đạo khi vào viện chiếm tỷ lệ cao nhất (67,1%). Sản phụ có cổ tử cung mở 1 - < 3 cm khi vào viện chiếm tỷ lệ cao nhất (49,7%). Sản phụ có tình trạng thiểu ối chiếm 29%. Sản phụ có nhiễm khuẩn tiết niệu khi vào viện chiếm tỷ lệ cao là 63,2%. Một số yếu tố liên quan đến đẻ non là: tuổi thai mà sản phụ dừng làm việc và số lần khám thai, với mức ý nghĩa thống kê p < 0,05.

Sau khi nghiên cứu, các tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau: Các bác sĩ, hộ sinh cần tư vấn các sản phụ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi trong suốt quá trình mang thai; Cần tuyên truyền, đẩy mạnh công tác khám thai, siêu âm thai, xét nghiệm nước tiểu, ... để phát hiện các dấu hiệu bệnh lý, nhằm quản lý thai nghén hiệu quả. Bệnh viện cần tiến hành nghiên cứu với quy mô rộng hơn nữa về một số yếu tố liên quan với đẻ non.

Tạp chí Phụ sản, Tập 21, Số 4-5 (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài