SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá tình trạng chảy máu bất thường từ tử cung dựa vào biểu đồ PBAC ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và các yếu tố liên quan

[05/06/2024 09:53]

Chảy máu bất thường từ tử cung là một trong những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở phụ nữ. Nghiên cứu được thực hiện bởi Trần Doãn Tú - Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế và các cộng sự nhằm đánh giá tình trạng chảy máu bất thường từ tử cung ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dựa vào biểu đồ PBAC, khảo sát nguyên nhân theo hệ thống phân loại PALM-COEIN và tìm hiểu các yếu tố liên quan.

Ảnh minh họa

Chảy máu bất thường từ tử cung chiếm tỷ lệ khoảng 10 - 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, được định nghĩa là chảy máu từ buồng tử cung, bất thường về thể tích, tần suất, đều đặn hoặc thời gian ở phụ không mang thai. Thuật ngữ này được giới thiệu bởi Liên đoàn Sản Phụ khoa Quốc tế (International Federation of Gynecology and Obstetrics - FIGO) với các nhóm nguyên nhân thực thể và chức năng theo hệ thống phân loại PALM-COEIN. Từ đó, đã giúp cho các bác sĩ sản phụ khoa cá thể hóa với các phương pháp điều trị thích hợp.

Theo y văn, lượng máu mất trong mỗi kỳ kinh thay đổi theo tuổi, bình thường vào khoảng 40 - 60 ml [4]. Có đến 50% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (18 - 54 tuổi) bị chảy máu kinh nặng (≥ 80 ml), gây ra nhiều hậu quả như thiếu máu, khó thở, mệt mỏi, suy nhược, rối loạn cảm xúc và hoạt động thể chất, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Vì vậy, đánh giá lượng máu kinh nguyệt nói riêng và chảy máu bất thường từ tử cung nói chung đóng vai trò quan trọng trong thực hành lâm sàng.

Hiện nay, chỉ có các trung tâm nghiên cứu lớn mới có thể định lượng chính xác lượng máu mất kinh nguyệt do sự phức tạp của các kỹ thuật. Đồng thời, có sự khác biệt đáng kể giữa các phướng pháp đánh giá khách quan và nhận thức của phụ nữ về mất máu kinh nguyệt. Điều này khiến cho việc xác định chính xác lượng máu mất trong chảy máu bất thường từ tử cung vẫn là thách thức lớn cho các bác sĩ sản phụ khoa. Biểu đồ đánh giá mất máu bằng hình ảnh (PBAC) được Higham và cộng sự (cs.) giới thiệu lần đầu tiên cách đây 3 thập kỷ, kể từ đó đến nay trở thành một công cụ đo bán định lượng được sử dụng rộng rãi nhất để đánh giá tình trạng mất máu kinh nguyệt. Phụ nữ được hướng dẫn đếm số lượng pads hoặc tampon đã sử dụng mỗi ngày và sau đó phân chia theo mức độ có sẵn. Phương pháp này có độ đặc hiệu và độ nhạy ≥ 80%.

Các tác giả thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang, hồi cứu với 180 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (18 - 54 tuổi) nhập viện vì chảy máu bất thường từ tử cung tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế từ tháng 06/2021 đến 12/2022. Tiến hành thăm khám lâm sàng, đánh giá tình trạng, mức độ chảy máu bằng biểu đồ PBAC. Dựa vào kết quả cận lâm sàng đánh giá mức độ thiếu máu. Hội chẩn để chẩn đoán nguyên nhân theo hệ thống phân loại PALM-COEIN. Tính toán và khảo sát các yếu tố liên quan đến tình trạng chảy máu bất thường từ tử cung.

Kết quả cho thấy: Độ tuổi trung bình trong nghiên cứu là 41,9 ± 6,3 (tuổi). Có 56,1% bệnh nhân được chẩn đoán thiếu máu; trong đó, thiếu máu mức độ nặng chiếm tỷ lệ 7,2%. U xơ tử cung (UXTC) và quá sản nội mạc tử cung (NMTC)/ung thư NMTC là những nguyên nhân chủ yếu với tỷ lệ lần lượt là 51,1% và 38,9% và cũng có điểm PBAC cao nhất với giá trị trung vị lần lượt là 498,0 (KTC 95%: 336,0 - 750,0) và 529,0 (KTC 95%: 289,0 - 884,3). Tại điểm cắt tối ưu là 590, giá trị của PBAC trong tiên lượng thiếu máu mức độ nặng là: độ nhạy 86,7%, độ đặc hiệu 63,6%, AUC = 0,745 (KTC 95%: 0,675 - 0,807), p = 0,0001. Điểm PBAC > 590 có mối liên quan với tình trạng rong kinh và thiếu máu nặng (p < 0,05).

Qua nghiên cứu, biểu đồ PBAC có thể ứng dụng trong thực hành lâm sàng giúp đánh giá mức độ chảy máu bất thường từ tử cung, có giá trị tiên lượng mức độ thiếu máu nặng.

Tạp chí Phụ sản, Tập 21, Số 3 (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ