SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu hiệu quả sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai tại Bệnh viện Bình An, Quảng Nam

[05/06/2024 10:04]

Các tác giả Võ Văn Chính - Bệnh viện Bình An, Quảng Nam và Trần Thị Như Quỳnh, Lê Minh Tâm - Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh dự phòng tại Bệnh viện Bình An, Quảng Nam và tìm hiểu một số yếu tố liên quan.

Phẫu thuật sản phụ khoa, đặc biệt mổ lấy thai, là những phẫu thuật phổ biến tại tuyến y tế cơ sở. Chỉ định mổ lấy thai được thực hiện khi quá trình chuyển dạ sinh đường âm đạo có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi như bất xứng đầu chậu, nhau tiền đạo, nhau bong non, thai quá to.... Về phần mẹ, mổ lấy thai có thể giúp hạn chế tổn thương tầng sinh môn, chảy máu do nhau tiền đạo, nhau bong non. Về phía trẻ sinh ra, mổ lấy thai có thể giúp tránh được các biến chứng như: ngạt, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, gãy xương đòn... và giảm sự lây nhiễm một số bệnh lý từ mẹ sang con khi sinh đường âm đạo như: nấm, herpes simplex, HIV, viêm gan B, C.... Tuy nhiên, mổ lấy thai cũng tiềm ẩn một số nguy cơ như: nhiễm trùng sau mổ bao gồm: nhiễm trùng tại vết mổ, viêm nội mạc tử cung, viêm đường tiết niệu; thuyên tắc mạch do cục máu đông; dính các cơ quan trong ổ bụng và các biến chứng liên quan đến gây mê, gây tê. Trong đó, nhiễm trùng sau mổ là biến chứng thường gặp nhất.

Ở các sản phụ có chỉ định mổ lấy thai không sử dụng kháng sinh dự phòng, nguy cơ nhiễm trùng có thể tăng từ 5 - 20 lần so với sinh đường âm đạo. Nhiễm trùng vết mổ có ảnh hưởng nghiêm trọng khi gia tăng thời gian, chi phí nằm viện và gây ra những tác động tiêu cực về thể chất cho người sản phụ nói riêng và kinh tế - xã hội cho cha mẹ và trẻ sơ sinh nói chung. Để hạn chế nhiễm trùng hậu sản, trong quá trình điều trị, sử dùng kháng sinh dự phòng hay kháng sinh điều trị là cần thiết.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020” nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, trong đó có khuyến cáo sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai [4]. Hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng đã có khuyến cáo dùng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật sản khoa. Bệnh viện Bình An, Quảng Nam là một bệnh viện tuyến y tế cơ sở, với điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng mổ, y dụng cụ mổ còn khiêm tốn, việc sử dụng kháng sinh dự phòng vẫn còn mang lại nhiều lo lắng cho phẫu thuật viên, cho nhân viên y tế, và thậm chí cho cả bệnh nhân và người nhà.

Các tác giả thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang có so sánh nhóm chứng. Đối tượng nghiên cứu bao gồm các sản phụ có chỉ định mổ lấy thai tại Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Bình An, Quảng Nam từ tháng 01 đến tháng 03 năm 2023. Nhóm bệnh (nhóm I) bao gồm 119 bệnh nhân được chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng trước mổ lấy thai liều duy nhất Cefazoline 2 g, tiêm tĩnh mạch. Nhóm chứng (nhóm II) bao gồm 142 bệnh nhân sử dụng kháng sinh thường quy sau mổ lấy thai với Ceftriaxone 1 g x 02 lần/ngày, tiêm tĩnh mạch trong 05 ngày. Qua khám lâm sàng, quá trình mổ lấy thai, theo dõi hậu phẫu tại bệnh viện để đánh giá và so sánh các biểu hiện nhiễm trùng hậu sản và các yếu tố liên quan giữa 2 nhóm.

Kết quả cho thấy: Không có sự khác biệt giữa 2 nhóm về các yếu tố như: nhóm tuổi mẹ, nghề nghiệp, chiều cao, cân nặng, BMI, tiền sử mổ lấy thai, tuổi thai, các dấu hiệu chuyển dạ, thời gian chờ mổ, cân nặng trẻ sơ sinh và các biểu hiện nhiễm trùng hậu phẫu. Nghiên cứu ghi nhận có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm về độ tuổi trung bình (nhóm I và II, lần lượt là 29,5 ± 4,6 và 27,1 ± 4,5 với p < 0,001); thời gian nằm viện (nhóm I và II, lần lượt là 5,36 ± 0,71 ngày và 6,09 ± 1,13 ngày, p < 0,05); địa dư và tình trạng vỡ ối trước mổ.

Sau khi nghiên cứu, các tác giả cho rằng khi so sánh kháng sinh dự phòng với nhóm kháng sinh thường quy sau mổ lấy thai tại Bệnh viện Bình An, Quảng Nam thì kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn hậu sản trong thời gian nằm viện khác nhau không có có ý nghĩa. Nhưng nhóm dùng kháng sinh dự phòng cho kết quả tốt hơn trong việc giảm được chi phí điều trị, giảm số ngày nằm viện có ý nghĩa, giảm được số lần tiêm thuốc và giảm được nhân công điều dưỡng. Đặc biệt, ưu điểm mà nhóm dùng kháng sinh dự phòng trước mổ mang lại là việc giảm chi phí điều trị, giảm số ngày nằm viện có ý nghĩa, giảm được số lần tiêm thuốc và giảm được nhân công điều dưỡng. Như vậy, kháng sinh dự phòng nên được xem xét là một chiến lược hợp lý trong mổ lấy thai ở bệnh viện tuyến cơ sở.

Tạp chí Phụ sản, Tập 21, Số 3 (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài