SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết cục thai kỳ của các trường hợp nhau tiền đạo ở Khoa Phụ sản, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế

[05/06/2024 10:26]

Các tác giả Trương Thị Linh Giang, Trần Thị Mỹ Chi - Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế nghiên cứu với mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết cục thai kỳ các trường hợp nhau tiền đạo tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế.

Nhau tiền đạo là bánh nhau bám đoạn dưới tử cung, có thể che lấp một phần hoặc toàn bộ lỗ trong cổ tử cung. Đây là nguyên nhân xuất huyết thường gặp nhất trong 3 tháng cuối thai kỳ (khoảng 1/3 trường hợp xuất huyết trước sinh) chiếm 0,5% tổng thai kỳ. Và gây ra một số biến chứng nguy hiểm khác như băng huyết sau sinh, tăng nguy cơ mổ lấy thai, tăng nguy cơ sinh non gấp 3 đến 5 lần. Trong các nghiên cứu tổng quan hệ thống, 52% phụ nữ bị nhau tiền đạo bị chảy máu trước khi sinh và 22% bị xuất huyết sau sinh. Ngoài ra, nhau tiền đạo là một yếu tố nguy cơ đáng kể của rau cài răng lược. Trong trường hợp nhau tiền đạo có một hoặc nhiều ca mổ lấy thai trước đó, nguy cơ mắc rau cài răng lược tăng lên đáng kể. Đối với những phụ nữ bị nhau tiền đạo, nguy cơ rau cài răng lược lần lượt là 3%, 11%, 40%, 61% và 67% đối với lần sinh mổ thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm trở lên.

Tỷ lệ hiện mắc nhau tiền đạo gộp chung là khoảng 4 trên 1000 ca sinh nhưng thay đổi trên toàn thế giới. Tỉ lệ này cao hơn đáng kể ở sản phụ có tiền sử mổ lấy thai trước đó với tỷ lệ tăng từ 10/1000 ca sinh với 1 lần mổ lấy thai trước đó lên 28/1000 với ≥ 3 lần mổ lấy thai. Theo nghiên cứu mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sinh mổ tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, hiện chiếm hơn 1/5 (21%) tổng số ca sinh. Nghiên cứu cho thấy con số này sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ mắc nhau tiền đạo cũng có xu hướng tăng đồng thời có nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sản phụ và thai nhi. Đòi hỏi các bác sĩ lâm sàng cần có sự chuẩn bị đầy đủ về chuyên môn để can thiệp kịp thời. Để góp phần cung cấp thêm số liệu trong chẩn đoán và xử trí nhau tiền đạo từ đó tiên lượng và cải thiện tình trạng mẹ và con.

Những sản phụ được chẩn đoán xác định nhau tiền đạo bằng siêu âm trước sinh và xác nhận chẩn đoán sau sinh hoặc chẩn đoán nhau tiền đạo sau sinh, sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả hoàng loạt ca.

Kết quả cho thấy: Nhau tiền đạo gặp nhiều nhất ở sản phụ có nhóm tuổi từ 35 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 46,9%. Sản phụ có tiền sử mang thai từ 2 lần trở lên chiếm tỷ lệ 65,6%. Đặc điểm lâm sàng: ra máu âm đạo chiếm 65,6%; ngôi bất thường chiếm 15,6%. Nhau tiền đạo trung tâm chiếm 59,4%. Tỷ lệ mổ lấy thai chiếm 93,8%. Tuổi thai chấm dứt thai kỳ trung bình là 37,25 tuần. Thời gian nằm viện trung bình 12,19 ngày. Qua nghiên cứu, các tác giả cho rằng chảy máu âm đạo là triệu chứng phổ biến của nhau tiền đạo. Tuổi thai chấm dứt thai kỳ > 37 tuần làm giảm biến chứng cho trẻ sơ sinh.

Tạp chí Phụ sản, Tập 21, Số 3 (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài