SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát giá trị các phương pháp ước lượng cân nặng thai nhi đủ tháng

[05/06/2024 10:55]

Tác giả Trần Thị Ngọc Bích - Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế và các cộng sự thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Khảo sát mức độ phù hợp của các phương pháp ước lượng cân nặng thai trên lâm sàng và siêu âm.

Cân nặng trẻ khi sinh có liên quan mạnh mẽ đến kết cục và biến chứng ở trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ và hậu sản. Theo Lee và cộng sự, ở các nước thu nhập trung bình - thấp, cứ 5 trẻ sơ sinh thì có 1 trẻ sinh ra nhẹ cân so với tuổi thai, gây ra 21,9% trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh [1]. Thai to làm tăng tỷ lệ mổ lấy thai, chuyển dạ kéo dài, tăng nguy cơ kẹt vai, chấn thương, giảm chỉ số Apgar, suy hô hấp sau sinh, hạ đường huyết sau sinh. Do đó, ước lượng cân nặng thai trước sinh là một bước quan trọng trong chăm sóc tiền sản, theo dõi chuyển dạ và lựa chọn phương thức chấm dứt thai kỳ.

Có nhiều công thức ước lượng cân nặng thai trên lâm sàng và siêu âm. Trên lâm sàng công thức cổ điển: (Bề cao tử cung + Vòng bụng)/4 x 100 thường được áp dụng trong thực hành và giảng dạy, ngoài ra còn có các công thức McDonald: (Bề cao tử cung – X) x 155 (X = 12 nếu ối chưa vỡ, X = 11 nếu ối đã vỡ), Dare: Bề cao tử cung x Vòng bụng. Trên siêu âm, dựa trên đo lường các chỉ số sinh trắc học của thai nhi bao gồm 4 chỉ số chính: đường kính lưỡng đỉnh (BPD), chu vi vòng đầu (HC), chu vi vòng bụng (AC), chiều dài xương đùi (FL), có hơn 60 phương trình khác nhau phối hợp những chỉ số này để tính toán cân nặng thai nhi được công bố từ giữa thế kỷ 20 đến nay, theo ISUOG (2018) phương trình phối hợp 3 chỉ số HC, AC, FL là phương trình chính xác nhất cho tất cả các thai kỳ.

Hiện nay trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm so sánh các phương pháp ước lượng trọng lượng thai nhi khác nhau dựa trên lâm sàng và siêu âm, cũng như đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sai số trên siêu âm. Theo nghiên cứu mới nhất của Preyer và cộng sự (2019) trên 543 sản phụ đủ tháng khi so sánh công thức lâm sàng và siêu âm trong việc dự đoán trọng lượng thai nhi đã đưa ra kết luận: siêu âm có độ chính xác cao hơn đáng kể so với ước lượng cân nặng trên lâm sàng bằng các thủ thuật Léopold, có sự khác biệt đáng kể về sai số tuyệt đối; trong khi đó, độ chính xác của siêu âm so với ước lượng cân nặng trên lâm sàng ở nhóm sản phụ có cân nặng bình thường là như nha. Một nghiên cứu khác của Lanowski JS và cộng sự (2017) khi so sánh ước lượng cân nặng thai nhi đủ tháng giữa các công thức lâm sàng và siêu âm trên 204 sản phụ, kết quả chỉ ra rằng trọng lượng thai nhi nên được ước tính bằng siêu âm.

Tuy nhiên, vì sao công thức cổ điển được sử dụng nhiều hơn trên lâm sàng, giá trị thật sự của các công thức khác như thế nào, các phương trình tính toán dựa trên siêu âm có mức độ phù hợp ra sao, khuyến cáo của ISUOG có phù hợp trên quần thể người Việt Nam hay không thì hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu trong nước.

Các tác giả thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 500 sản phụ mang đơn thai và đủ tháng vào sinh tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế từ tháng 06/2022 đến tháng 02/2023. Dữ liệu thu thập được ghi vào phiếu nghiên cứu. Các biến số được thu thập bằng một mẫu thống nhất, được tính toán bằng phần mềm Excel và phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS 20.0 (Statistical Package for Social Science). Các thông tin, dữ liệu thu thập được mã hóa, làm sạch kiểm định bằng test thống kê.

Kết quả: Tỷ lệ ước lượng chính xác của các công thức Hadlock I, Hadlock II, Hadlock III, Hadlock IV, Warsof, Cổ điển, McDonald và Dare lần lượt là 78,2%, 79,4%, 78,8%, 79%, 66%, 66,2%, 64,4% và 57%. Ngoại trừ công thức Dare, tất cả công thức còn lại đều có phần trăm sai số tuyệt đối < 10%. Trong các công thức dựa vào lâm sàng, công thức cổ điển cho sai số tuyệt đối thấp nhất với ± 272,85 g (254,05 - 292,29, KTC 95%). Trong các công thức dựa vào siêu âm, công thức Hadlock II và Hadlock IV hiệu quả nhất với sai số tuyệt đối trung bình lần lượt là ± 200,54 g (184,82 - 216,53, 95% CI); ± 205,73 g (190,04 - 221,51, KTC 95%) và giữa hai công thức không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

Với kết quả trên, các tác giả cho rằng công thức cổ điển, McDonald và tất cả các công thức trên siêu âm đều cho sai số tuyệt đối < 10% cân nặng thực tế lúc sinh, công thức cổ điển là hiệu quả nhất trên lâm sàng với sai số 272,85 g. Công thức Hadlock II và IV là hiệu quả nhất trên siêu âm với sai số lần lượt là 200,54 g, 205,73 g, không có sự khác biệt giữa 2 công thức. Trong nhóm thai có cân nặng khi sinh từ 3000 - 3500 g, phương pháp lâm sàng bằng công thức cổ điển có tỷ lệ ước lượng chính xác cao hơn phương pháp siêu âm.

Tạp chí Phụ sản, Tập 21, Số 3 (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ