SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu tình hình nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ có thai từ 36 tuần

[05/06/2024 13:45]

Các tác giả Nguyễn Vũ Quốc Huy thuộc Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế và Thái Bằng, Đinh Thanh Hà thuộc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu là xác định tỷ lệ và đánh giá kết quả kết thúc thai kỳ các thai phụ nhiễm liên cầu nhóm B là xác định tỷ lệ và đánh giá kết quả kết thúc thai kỳ các thai phụ nhiễm liên cầu nhóm B.

Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS, Group B Streptococci hay Streptococcus agalactiae) là một trong ba loại liên cầu phổ biến nhất (bên cạnh liên cầu khuẩn nhóm A và phế cầu), sống hội sinh và gây bệnh ở người. Đây là vi khuẩn gram dương hiện diện ở đường tiêu hóa, đường tiết niệu và đường sinh dục của người phụ nữ.

Tỷ lệ nhiễm GBS trong thai kỳ là 10 - 30%. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm GBS trong thai kỳ. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc cho thấy các yếu tố đó bao gồm: chỉ số khối cơ thể trước khi mang thai (OR = 3,79, KTC 95%: 1,28 - 11,26), tuổi thai (OR = 5,81, KTC 95%: 1,20 - 28,15), sẩy thai (OR = 0,63, KTC 95%: 0,40 - 0,98). Nhiễm GBS trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến mẹ, bào thai và trẻ sơ sinh. Đối với mẹ, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ối, vỡ ối non, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, sinh non, viêm nội mạc tử cung sau đẻ.... Đặc biệt, đây là tác nhân truyền nhiễm hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh, các biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng bao gồm nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não, thể nhiễm khuẩn sớm ở trẻ sơ sinh từ 01 tuần tuổi trở xuống có liên quan đến nguy cơ tử vong từ 5 - 27%. Một nghiên cứu hệ thống vào năm 2012 cho thấy tỷ lệ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ từ 0 - 89 ngày tuổi là 0,53/1000 trẻ sinh sống và tỷ lệ tử vong trung bình là 9,6%, với tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở Châu Phi, Châu Mỹ và thấp nhất ở Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Trong hai thập kỷ qua, những phát triển trong sàng lọc, dự phòng và phòng ngừa thứ phát bệnh GBS thể khởi phát sớm đã làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm bệnh. Vào đầu những năm 1990, có khoảng 1,7/1000 trẻ đẻ sống nhiễm GBS khởi phát sớm. Con số này đã giảm xuống còn 0,34 - 0,37 trên 1000 trẻ đẻ sống trong những năm gần đây. Khoảng 70% trường hợp nhiễm GBS khởi phát sớm là ở trẻ đủ tháng (trên 37 tuần). Đặc biệt là 60% trường hợp nhiễm khuẩn khởi phát sớm xảy ra ở những bệnh nhân có cấy GBS âm đạo trong khoảng từ 35 - 37 tuần. Do tác hại có thể dẫn đến tử vong của nhiễm GBS ở trẻ sơ sinh nên từ những thập niên 80 nhiều tác giả đã cố gắng tìm cách phòng ngừa lây nhiễm GBS từ mẹ sang con. Khi chưa có chiến lược dự phòng bằng kháng sinh, tỷ lệ trẻ nhiễm GBS khoảng 1,5/1000 trẻ đẻ sống và tỷ lệ tử vong sơ sinh do bệnh lý này lên tới 50%. Hiện nay, việc áp dụng phác đồ kháng sinh dự phòng dựa vào kết quả cấy tầm soát bệnh phẩm từ âm đạo - trực tràng khi thai kỳ ở tuổi thai 35 - 37 tuần theo khuyến cáo của CDC và WHO năm 2010, tỷ lệ sơ sinh bị nhiễm khuẩn và tử vong do bệnh lý này đã giảm đáng kể.

Các tác giả thực hiện nghiên cứu cắt ngang mô tả trên 302 thai phụ quản lý thai kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang từ 02/2020 đến 02/2021. Chẩn đoán thai kỳ mang GBS dựa vào nuôi cấy, phân lập và định danh vi khuẩn bằng mẫu dịch âm đạo ở thời điểm trên 36 tuần. Liệu pháp dự phòng lây nhiễm trước sinh được áp dụng theo khuyến cáo của CDC. Kết quả thai kỳ được đánh giá đối với mẹ và trẻ sơ sinh.

Kết quả: Tuổi thai trung bình ở nhóm thai phụ nhiễm GBS là 39,2 ± 0,8 tuần. Thời gian chuyển dạ < 12 giờ ở nhóm thai phụ nhiễm GBS chiếm phần lớn với 87,0%. Tỷ lệ sinh qua ngã âm đạo và sinh mổ ở nhóm thai phụ nhiễm GBS lần lượt là 65,2% và 34,8%. Trong 35/302 trường hợp sử dụng kháng sinh dự phòng GBS theo phác đồ, có 23 trường hợp nhiễm GBS (+) chiếm 65,8%. Nghiên cứu chưa ghi nhận nhiễm trùng hậu sản trên nhóm sản phụ nhiễm GBS. Trọng lượng thai ≥ 3000 gr chiếm chủ yếu với tỷ lệ 73,9%. Không có trẻ nhẹ cân (< 2500 gr). Vàng da là tình trạng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh có thai phụ nhiễm GBS chiếm tỷ lệ 13,0%, tiếp theo là nhiễm trùng sơ sinh và suy hô hấp với tỷ lệ lần lượt là 8,7% và 4,3%.

Qua nghiên cứu, các tác giả cho rằng thai kỳ mang GBS sử dụng liệu trình dự phòng lây nhiễm trước sinh không làm tăng nguy cơ kết quả thai kỳ bất lợi ở mẹ và trẻ sơ sinh.

Tạp chí Phụ sản, Tập 21, Số 2 (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ