Nghiên cứu chất lượng phôi nang thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng sau trữ lạnh bằng thủy tinh hóa
Kỹ thuật trữ lạnh tinh trùng phát triển đã mở ra cơ hội có con rất là cao đối với các trường hợp vô sinh nam. Trong các phương pháp trữ lạnh, thủy tinh hóa đang là một kỹ thuật được nghiên cứu nhiều và dần được áp dụng rộng rãi. Mặc dù thủy tinh hóa tinh trùng có nhiều ưu điểm nhưng việc ứng dụng thủy tinh hóa tinh trùng trong thụ tinh ống nghiệm vẫn chưa thể thay thế cho phương pháp trữ lạnh truyền thống. Do đó, Tác giả Nguyễn Thị Thái Thanh thuộc Trung tâm Nội tiết Sinh sản và Vô sinh, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế và các cộng sự tiến hành đề tài “Nghiên cứu chất lượng phôi nang thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng sau trữ lạnh bằng thuỷ tinh hoá” nhằm đánh giá hiệu quả của thủy tinh hóa so với đông lạnh nhanh trong kết quả nuôi cấy phôi thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON).
Sự phát triển của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON hoặc In vitro Fertilization - IVF) và đặc biệt là kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic Sperm Injection - ICSI) đã góp phần rất lớn trong sự thành công của lĩnh vực hỗ trợ sinh sản (HTSS), cũng như tạo hy vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh. Đặc biệt, đối với nam giới vô sinh, chỉ cần một số lượng ít tinh trùng vẫn có cơ hội có con của chính mình.
Tinh trùng là yếu tố quan trọng trong quá trình thụ tinh, nó mang một nửa thông tin di truyền từ người bố. Do đó, sử dụng nguồn tinh trùng chất lượng tốt là nhân tố thiết yếu cho sự thành công của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Những bệnh nhân nam giới có số lượng tinh trùng ít thường được chỉ định trữ lạnh tinh trùng trước khi bắt đầu quy trình kích thích buồng trứng ở người vợ, nhằm đảm bảo được số lượng tinh trùng đủ để thực hiện ICSI. Hiện nay, có hai phương pháp trữ lạnh tinh trùng được sử dụng phổ biến là đông lạnh nhanh (đông lạnh thông thường) và thủy tinh hóa. Đông lạnh thông thường được xem là phương pháp truyền thống, đã được thực hiện để trữ lạnh tinh trùng người trong nhiều năm. Trong khi đó, thủy tinh hóa là kỹ thuật mới nhưng đang phát triển nhanh chóng và dần trở thành phương pháp thay thế phương pháp đông lạnh truyền thống.
Phương pháp đông lạnh thông thường với các chất chống đông (Cryoprotectant Agents - CPA) có thể gây ra các tổn thương vật lý do sự hình thành tinh thể băng nội và ngoại bào, cũng như tổn thương hóa học do stress thẩm thấu. Ngược lại, thủy tinh hóa dựa vào tốc độ làm lạnh cực nhanh để ngăn chặn sự hình thành các tinh thể đá trong hệ thống sinh học, sẽ tạo ra các dạng giống thuỷ tinh (glass-like). Phương pháp này được sử dụng phổ biến hơn cho noãn và phôi, nhưng với tinh trùng vẫn còn nhiều thách thức. Nhưng thủy tinh hóa tinh trùng có nhiều lợi thế vì nó chỉ sử dụng các chất chống đông có tính thấm nên an toàn với tinh trùng. Do đó, sau khi rã đông, thu được tỷ lệ tinh trùng di động tiến tới cao với độ phân mảnh DNA thấp và bảo vệ được tính toàn vẹn của màng tế bào, nhờ vậy có thể sử dụng kỹ thuật này trong các quy trình TTTON.
Các tác giả thực hiện nghiên cứu chất lượng phôi nang sau khi ICSI trên trứng chị em trong 18 chu kỳ thực hiện điều trị TTTON tại Trung tâm Nội tiết Sinh sản và Vô sinh, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế từ tháng 04 năm 2022 đến tháng 04 năm 2023 với tinh trùng được trữ lạnh theo hai phương pháp: đông lạnh nhanh thông thường (nhóm 1) và thủy tinh hóa (nhóm 2).
Kết quả cho thấy: Nhóm sử dụng tinh trùng đông lạnh nhanh thông thường có tỷ lệ thụ tinh cao hơn nhóm sử dụng tinh trùng thủy tinh hóa (60,67 ± 21,24% so với 56,52 ± 24,27%) với p > 0,05. Tuy nhiên, nhóm sử dụng tinh trùng thủy tinh hóa lại có tỷ lệ tạo phôi nang và tỷ lệ tạo phôi nang tốt cao hơn nhóm sử dụng tinh trùng đông lạnh nhanh thông thường (lần lượt là 78,97 ± 26,13% so với 72,27 ± 29,75% và 60,85 ± 34,19% so với 55,93 ± 37,34, p > 0,05).
Sau khi nghiên cứu, các tác giả cho rằng chất lượng phôi nang thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng sau trữ lạnh bằng thủy tinh hóa có khuynh hướng tốt hơn nhóm sử dụng tinh trùng trữ lạnh bằng đông lạnh nhanh thông thường. Tuy nhiên, vẫn còn cần nhiều nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn nữa để khẳng định ưu điểm và tính an toàn của thủy tinh hóa so với đông lạnh thông thường trong điều trị TTTON.
Tạp chí Phụ sản, Tập 21, Số 2 (2023)