SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung các trường hợp ASCUS hoặc LSIL có nhiễm HPV tại Bệnh viện Từ Dũ

[05/06/2024 14:10]

Tác giả Phạm Hồ Thuý Ái - Bệnh viện Từ Dũ và các cộng sự thực hiện nghiên cứu với mục tiêu là xác định tỷ lệ CIN 2+ ở các trường hợp ASCUS hoặc LSIL có nhiễm HPV nguy cơ cao và một số yếu tố liên quan đến tình trạng CIN 2+.

Virus HPV – Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung. (Hình minh họa)

Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 4 trong các bệnh lý ung thư của phụ nữ và đứng thứ 2 trong các bệnh lý phụ khoa ác tính ở nữ giới. Trên thế giới, năm 2012 ước tính có 266.000 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung, tương đương cứ mỗi 2 phút có 1 phụ nữ tử vong. Và 90% trong số đó ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, năm 2018 ước tính số ca mới mắc là 164.671 (0,17% dân số) và số ca tử vong do UTCTC là 114.871 ca (0,12% dân số). Tỷ lệ mắc mới UTCTC là 7,1/100.000 dân và tử vong là 4,0/100.000 dân. Tại TP.HCM, tỷ lệ mắc UTCTC có xu hướng tăng dần, có 2.046 ca mắc UTCTC năm 2005 - 2009 nhưng từ năm 2010- 2014 số ca mắc là 2.666 [3]. Một chương trình tầm soát UTCTC giúp phát hiện, điều trị sớm các tân sinh trong biểu mô CTC (CIN) bằng phết tế bào cổ tử cung, xét nghiệm Human Papilloma virus (HPV), soi CTC, nạo kênh và sinh thiết CTC để chẩn đoán là nhiệm vụ quan trọng nhằm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư CTC Hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung của ASCCP chỉ ra rằng phương pháp sàng lọc tối ưu là co-testing cho phụ nữ từ 30 - 65 tuổi vì làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu của tầm soát ung thư cổ tử cung.

Tế bào học ASCUS hoặc LSIL là những bất thường tế bào học CTC mức độ thấp hay găp nhất trong các kết quả tế bào học CTC và khả năng tiến triển thành tiền ung thư hay ung thư cổ tử cung khá thấp. Tuy nhiên, theo y văn thế giới, nguy cơ ung thư cổ tử cung sẽ tăng lên ở các trường hợp tế bào học ASCUS hoặc LSIL có nhiễm HPV nguy cơ cao. Các nghiên cứu được thực hiện cho thấy tỷ lệ tân sinh trong biểu mô cổ tử cung mức độ cao của các đối tượng có tế bào học ASCUS và LSIL có nhiễm HPV nguy cơ cao vẫn còn sự dao động khá nhiều từ 7,3% đến 25,8%.

Các tác giả đã thực hiện 184 trường hợp nghiên cứu mô tả loạt ca hồi cứu trên đối tượng phụ nữ từ 30 tuổi trở lên có tế bào học ASCUS hoặc LSIL có nhiễm HPV nguy cơ cao tại Đơn vị kỹ thuật chẩn đoán - Khoa Khám phụ khoa Bệnh viện Từ Dũ từ tháng 12/2020 đến tháng 04/2021.

Kết quả cho thấy trong 184 trường hợp nghiên cứu, tỷ lệ CIN 2+ là 21,2%, trong đó tỷ lệ CIN 2 là 6,0%, tỷ lệ CIN 3 là 13,6%, tỷ lệ ung thư là 1,6%. Tỷ lệ CIN 2+ có liên quan đến số bạn tình (PR = 3,39; KTC 95%: 1,56 - 7,36; p = 0,002), vệ sinh âm hộ sau quan hệ (PR = 2,94; KTC 95%: 1,41 - 6,13; p = 0,004), tiếp xúc khói thuốc lá (PR = 2,75; KTC 95%: 1,21 - 6,25; p = 0,016), nhiễm HPV 16 (PR = 3,80; KTC 95%: 1,37 - 10,53; p = 0,01).

Qua nghiên cứu, các trường hợp ASCUS hoặc LSIL nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao có tỷ lệ CIN 2+ còn khá cao, cần theo dõi sát các trường hợp này trước khi trở về theo dõi thường quy.

Tạp chí Phụ sản, Tập 21, Số 2 (2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài