SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá sự hấp phụ ion Pb2+ trong dung dịch nước trên vật liệu than bùn được hoạt hóa

[13/06/2024 14:15]

Nước được dùng cho đời sống, sản xuất và dịch vụ. Sau khi sử dụng, nước trở thành nước thải và bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Ngày nay, cùng với sự bùng nổ về dân số, tốc độ phát triển cao của công nghiệp và nông nghiệp đã để lại nhiều hậu quả phức tạp, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường nước. Vấn đề này đang nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người, mọi quốc gia trên thế giới.

Chì (Pb) là kim loại nặng gây ô nhiễm phổ biến, nó được thải vào môi trường nước, không khí và đất do các hoạt động công nghiệp như đốt cháy nhiên liệu hoá thạch, nấu chảy quặng sulfit, xả thải nước mỏ nhiễm acid, mạ kim loại, lọc dầu, sản xuất ắc quy và các hoạt động tự nhiên. Ô nhiễm chì trong môi trường phá huỷ hệ sinh thái và gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người [2]. Hơn nữa, chì không có khả năng tự phân hủy sinh học trong môi trường, mà sẽ tích luỹ chủ yếu trong xương, não, thận và các mô cơ, gây ra các bệnh nghiêm trọng như suy thận, thiếu máu, rối loạn hệ thần kinh, tăng huyết áp, suy giảm khả năng sinh sản, suy nhược thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó, việc tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả, tin cậy và giá trị kinh tế là cần thiết để loại bỏ chì ra khỏi nguồn nước thải.

Hình minh họa (Internet)

Trong nghiên cứu này, than bùn được hoạt hóa bằng H3PO4 ở nồng độ 2,0 M và sấy khô ở 105oC trong 6 giờ. Các mẫu sau khi tổng hợp bằng một số phương pháp như EDX, XRD, SEM, BET và FTIR. Các tính chất hấp phụ của vật liệu được đánh giá thông qua việc loại bỏ các ion Pb2+ trong dung dịch nước. Các đặc tính vật liệu cho thấy mẫu than bùn hoạt tính có diện tích bề mặt riêng và độ xốp cao hơn mẫu than bùn thô. Nghiên cứu cho thấy dữ liệu thực nghiệm về sự hấp phụ ion Pb2+ trên than bùn hoạt tính được mô tả tốt theo cả mô hình đẳng nhiệt Langmuir và Freundlich, tuy nhiên, mô hình đẳng nhiệt Langmuir phù hợp hơn. Vật liệu than bùn hoạt tính có khả năng hấp phụ tối đa qm = 33,33 mg/g. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy sự hấp phụ các ion Pb2+ trên than bùn hoạt tính tuân theo mô hình bậc hai giả. Từ các kết quả nghiên cứu trên, có thể thấy vật liệu hấp phụ từ than bùn có tiềm năng lớn trong việc loại bỏ các ion kim loại nặng trong dung dịch nước.

Tập. 29 Số. 3 (2023): TẠP CHÍ PHÂN TÍCH HÓA, LÝ VÀ SINH HỌC
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ