SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nguy cơ hội chứng nuôi ăn lại và một số yếu tố liên quan ở người bệnh ung thư thực quản xét chỉ định xạ trị

[24/06/2024 14:41]

Tác giả Trần Trung Bách - Trường Đại học Y Hà Nội và các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu này với mục đích đánh giá nguy cơ phát triển HCNAL và các yếu tố liên quan ở người bệnh UTTQ tại thời điểm xét chỉ định xạ trị tại Khoa xạ trị, Bệnh viện K.

Dấu hiệu bệnh ung thư thực quản

Dựa theo đồng thuận 2020 của Hiệp hội Dinh dưỡng tiêu hóa và tĩnh mạch Hoa Kỳ (American Society  for  Parenteral  and  Enteral  Nutrition  - ASPEN), về mặt khái niệm, hội chứng nuôi ăn lại (HCNAL) là sự suy giảm ít nhất một trong số các chất sau trong máu: phospho, kali và magie hoặc biểu hiện của sự thiếu hụt thiamin, phát triển trong thời gian ngắn (vài giờ đến vài ngày) sau khi bắt đầu cung cấp calo cho người bệnh đã trải qua một giai đoạn thiếu hụt dinh dưỡng đáng kể. Những thay đổi này có thể dẫn đến nhiều thay đổi sinh lý bệnh, ảnh hưởng xấu đến chức năng của hệ tim mạch, hô hấp, huyết học và thần kinh - cơ, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân (BN) ung thư có nhiều yếu tố nguy cơ phát triển HCNAL: chán ăn do bệnh ung thư nói chung hoặc chán ăn do điều trị hóa trị; viêm niêm mạc do xạ trị; nôn do di căn não, tắc nghẽn đường tiêu hóa do khối u hoặc do tác dụng phụ của xạ trị; lỗ rò đường tiêu hóa... Những yếu tố nguy cơ này khiến người bệnh ung  thư  thường  thiếu  hụt  dinh  dưỡng  trong thời gian dài, từ đó có nguy cơ cao phát triển HCNAL khi có sự can thiệp dinh dưỡng từ bác sĩ điều trị. Tần suất mắc HCNAL ở BN ung thư rất thay đổi, có thể dao động từ 20% đến hơn 50%.

Ung thư thực quản (UTTQ) là bệnh ung thư có nguy cơ đặc biệt phát triển HCNAL. Tình trạng tắc nghẽn đường tiêu hóa do khối u gây ra dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng sớm hơn. Ngoài ra xạ trị và hóa trị cũng gây viêm niêm mạc đường tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy và chán ăn. Những bệnh nhân trải qua phẫu thuật tái tạo thực quản bằng dạ dày cũng dẫn đến suy giảm chức năng đường tiêu hóa, đặc biệt nếu BN có biến chứng hậu phẫu, cần thời gian nhịn ăn dài hơn. Tất cả những nguyên nhân này gây thiếu dinh dưỡng kéo dài, mất điện giải và tăng nguy cơ phát triển HCNAL.

Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 132 bệnh nhân ung thư thực quản tại Khoa Xạ trị Tổng hợp Tân Triều, Bệnh viện K từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2024 nhằm đánh giá nguy cơ phát triển hội chứng nuôi ăn lại tại thời điểm xét chỉ định điều trị xạ trị.

Tuổi chẩn đoán trung vị là 60,7, tỷ lệ nam:nữ là 131:1, 100% có mô bệnh học là ung thư biểu mô tế bào vảy. Đa số bệnh nhân có u thực quản ở vị trí 1/3 trên (74,3%) và khi chẩn đoán đã ở giai đoạn bệnh tiến triển tại chỗ - tại vùng hoặc di căn (giai đoạn III - IV, 87,1%). Tỷ lệ nguy cơ cao phát triển hội chứng nuôi ăn lại theo tiêu chuẩn của Viện chăm sóc sức khỏe chất lượng cao Quốc gia Anh (NICE) năm 2017 là 29,5%. Chiều dài khối u nguyên phát (với ngưỡng cut-off là 6,7cm), nuốt nghẹn từ độ 2 trở lên, có sút cân khi vào viện và ăn qua sonde mở thông dạ dày là các yếu tố có liên quan nguy cơ cao phát triển hội chứng nuôi ăn lại (p < 0,05).

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178, Số 5 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài