SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giá trị thang điểm hệ thống phân tầng PIRO trong tiên đoán bệnh nặng nhiễm khuẩn huyết trẻ em

[24/06/2024 14:58]

Các tác giả Nguyễn Hữu Châu Đức - Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và Phạm Thị Ngọc Bích - Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế thực hiện đề tài này với hai mục tiêu sau: Đánh giá một số yếu tố tiên lượng trong NKH trẻ em; Xác định giá trị của hệ thống phân tầng PIRO trong tiên đoán bệnh nặng ở bệnh nhi NKH.

Nhiễm khuẩn huyết (NKH) là một hội chứng lâm sàng của rối loạn chức năng cơ quan đe dọa đến tính mạng gây ra bởi một đáp ứng không điều chỉnh được với nhiễm trùng, là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh và tử vong toàn cầu ở trẻ em. Theo ước tính toàn cầu, tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn huyết ở trẻ em là 1,2 triệu trường hợp với tỷ lệ tử vong dao động từ 1 - 5% đối với nhiễm khuẩn huyết và 9 - 20% nhiễm khuẩn huyết nặng. Bên cạnh việc đánh giá các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng thì nghiên cứu các yếu tố tiên lượng nguy cơ tử vong trong nhiễm khuẩn huyết là rất quan trọng, giúp nhân viên y tế phát hiện sớm và tối ưu hóa điều trị để cải thiện kết quả điều trị. Hiện đã có rất nhiều thang điểm được dùng để chẩn đoán và tiên lượng NKH như: pSOFA, PRISM III, PCIS...  Tuy nhiên, các thang điểm này không chuyên biệt cho các bệnh nhân cụ thể. Hệ thống phân tầng PIRO trong đó P là cơ địa; I là nhiễm khuẩn; R là phản ứng của vật chủ và O là rối loạn chức năng cơ quan là khái niệm được đưa ra từ Hội nghị quốc tế đồng thuận về NKH năm 2001 để giúp phân loại bệnh nhân một cách chính xác và riêng biệt hơn. Từ đó, PIRO cho thấy tính hữu ích hơn các thang điểm khác trong chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu về NKH.

Nhiễm khuẩn huyết là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong toàn cầu ở trẻ em. Hệ thống PIRO gồm bốn thành phần: cơ địa, nhiễm khuẩn, phản ứng của vật chủ và rối loạn chức năng cơ quan, được xem là công cụ phân tầng lý tưởng cho những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết. Nghiên cứu của chúng tôi trên 87 bệnh nhi nhiễm khuẩn huyết tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế từ năm 2022 đến 2023.

Kết quả cho thấy bệnh nhi nhiễm khuẩn huyết có thời gian nằm viện trung vị là 12 (10 - 17) ngày. Các đặc điểm như có bệnh nền, suy giảm tri giác, thiếu máu, creatinin tăng, men gan tăng thường gặp nhiều hơn ở trẻ sốc nhiễm khuẩn. Hệ thống phân tầng PIRO có giá trị tốt trong tiên đoán nặng ở trẻ nhiễm khuẩn huyết với diện tích dưới đường cong là 0,8. Tại điểm cắt 1,72 thang điểm PIRO cho khả năng tiên đoán sốc với độ nhạy là 63,3%, độ đặc hiệu là 96,5%.

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178, Số 5 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài