SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát độ dày ngà chân răng, trên răng vĩnh viễn hàm lớn thứ nhất hàm dưới

[24/06/2024 15:23]

Các tác giả Nguyễn Ngọc Linh Chi - Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Lê Hồng Vân - Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương thực hiện nghiên cứu nhằm mục tiêu khảo sát độ dày ngà chân răng trung bình và xác định vùng nguy hiểm của chân răng gần và xa ở nhóm răng vĩnh viễn hàm lớn thứ nhất hàm dưới. Việc hiểu biết về vùng nguy hiểm này sẽ giúp các nhà lâm sàng tránh được những rủi ro dẫn tới thất bại trong nội nha.

Hình minh họa

Răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới (RHLTNHD) thường là răng có tỷ lệ sâu răng, bệnh tủy răng và những biến chứng của tủy hoại tử cao nhất, chiếm khoảng 17,0%. Theo nhiều tác giả, “vùng ngà nguy hiểm” ở RHLTNHD là vị trí 2mm - 3mm dưới chẽ răng thành xa chân răng gần do có độ lõm lớn và thành ngà mỏng. Trong quá trình tạo hình, áp lực tạo ra lên thành ống tủy, vùng ngà mỏng sẽ chịu nhiều áp lực hơn nên ngà răng mất nhiều hơn và có nguy cơ thủng cao. Ngoài ra, mất nhiều cấu trúc ở vùng nguy hiểm có thể dẫn tới nứt chân răng dưới tải lực chức năng. Bởi vậy, việc mất quá nhiều mô ngà ở vùng nguy hiểm có thể dẫn tới nguy cơ thủng, nứt vỡ chân răng cả trong và sau quá trình tạo hình.4Vấn đề này được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho quá trình điều trị nội nha xâm lấn tối thiểu, bảo tồn ngà răng quanh hệ thống ống tủy, giảm thiểu những tai biến trong quá trình điều trị cũng như những thất bại sau điều trị.

Độ dày ngà vùng nguy hiểm đã được nghiên cứu bằng nhiều phương pháp khác nhau trên thế giới như: chụp X-quang, cắt tiêu bản răng liên tục, chụp cắt lớp vi tính Micro-CT, chụp cắt lớp chùm tia hình nón (CBCT). Chụp X-quang không phải là phương pháp đáng tin cậy trong đo độ dày ngà bởi kết quả lớn hơn so với thực tế. Phương pháp cắt tiêu bản răng liên tục chỉ sử dụng được với các răng đã nhổ và các tiêu bản không thể tiếp tục sử dụng cho các nghiên cứu sau này. Micro-CT cung cấp thông tin chi tiết, chính xác về độ dày ngà, nhưng nhược điểm lớn là liều lượng bức xạ cao, kích thước mẫu vật hạn chế và không thể sử dụng để quét trên người. Chụp CBCT cung cấp hình ảnh ba chiều không gian với chất lượng cao, chính xác, không xâm lấn và an toàn để đo độ dày ngà răng. Tuy nhiên, so với những nghiên cứu mô học, CBCT không thể phân biệt chi tiết ranh giới các mô xê măng, ngà răng, men răng mà được áp dụng như một phương pháp chẩn đoán hình ảnh trong nghiên cứu ứng dụng trên răng tự nhiên.

Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên hình ảnh phim chụp cắt lớp chùm tia hình nón của 90 răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới chụp tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, nhằm khảo sát độ dày ngà và xác định vùng nguy hiểm của chân răng vĩnh viễn gần và xa.

Kết quả cho thấy: ở chân răng gần, ngà răng thành xa mỏng nhất, đặc biệt dưới chẽ răng 3mm độ dày ngà giảm mạnh. Với chân răng xa, ngà thành gần mỏng nhất; vị trí dưới chẽ răng 3mm có độ dày ngà giảm mạnh nhất và mỏng hơn nhiều so với 3 thành còn lại. Như vậy, “Vùng nguy hiểm” ở răng vĩnh viễn hàm lớn thứ nhất gồm 2 vị trí dưới chẽ răng 3mm ở thành xa của chân răng gần và thành gần chân răng xa với độ dày ngà trung bình lần lượt là 0,79 ± 0,18mm và 0,89 ± 0,20mm.

“Vùng nguy hiểm” ở răng vĩnh viễn hàm lớn thứ nhất gồm 2 vị trí: dưới chẽ răng 3mm ở thành xa của chân răng gần và thành gần chân răng xa. Những vị trí này cần được khảo sát bằng phim CBCT trước điều trị để lựa chọn các dụng cụ tạo hình, phương pháp tạo hình và hàn kín ống tủy phù hợp nhằm tránh thất bại của điều trị nội nha. Nghiên cứu này được thực hiện trên răng hàm lớn hàm dưới. Vùng nguy hiểm còn được đề cập đến ở một số nhóm răng khác như răng hàm nhỏ có chân răng hình oval, răng hàm lớn hàm trên cũng có thể là những nghiên cứu trong tương lai,  góp phần làm tăng tính hiệu quả và an toàn của việc điều trị nội nha.

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178, Số 5 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài