Nghiên cứu độc tính bán trường diễn của cao dây thìa canh (Gymnema sylvestre) trên thực nghiệm
Tác giả Đinh Thị Thu Hằng - Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá độc tính bán trường diễn của cao Dây thìa canh (Gymnema sylvestre) theo đường uống trên động vật thực nghiệm.

Ngày nay, việc nghiên cứu các thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên đã và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chúng thường có ưu điểm hơn về giá thành cũng như an toàn hơn cho người sử dụng. Nghiên cứu độc tính là một bước rất quan trọng trong nghiên cứu phát triển thuốc. Thuốc muốn được sử dụng thì phải đảm bảo an toàn và có hiệu lực. Để đánh giá một phần tính an toàn của thuốc trên lâm sàng bắt buộc phải tiến hành nghiên cứu độc tính trên động vật thực nghiệm. Ngoài ra, tùy từng loại thuốc mà yêu cầu bắt buộc phải thử thêm các độc tính khác như độc tính trên sinh sản và phát triển, độc tính trên miễn dịch...
Cao Dây thìa canh là một sản phẩm của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) phối hợp với Công ty cổ phần Nam Dược. Dây thìa canh có tên khoa học là Gymnema sylvestre, họ Apocynaceae, là một loại thảo mộc thân có dạng dây. Thông thường, dây thìa canh có thể leo từ 6 đến 10m và phần thân tiết ra mủ màu trắng đục. Đường kính thân đo được ước chừng khoảng 3mm. Lá của dây thìa canh thuộc nhóm lá nhọn, mặt dưới mỗi tấm lá xuất hiện nhiều đường gân phụ. Dây thìa canh đã được sử dụng từ lâu theo kinh nghiệm trên lâm sàng trong hỗ trợ điều trị đái tháo đường, rối loạn lipid máu...
Nghiên cứu độc tính bán trường diễn được tiến hành theo hướng dẫn của WHO, chuột cống trắng chủng Wistar được uống liên tục cao Dây thìa canh với mức liều 50 mg/kg/ngày và 250 mg/kg/ngày trong vòng 12 tuần liên tục. Nghiên cứu được thực hiện tại phòng thực nghiệm Bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội.
Kết quả cho thấy cao Dây thìa canh khi dùng đường uống liều 50 mg/kg/ngày và 250 mg/kg/ngày liên tục trong 12 tuần không ảnh hưởng đến tình trạng chung, thể trọng, các chỉ số huyết học, chức năng gan, thận và mô bệnh học gan, thận trên chuột cống trắng. Như vậy, cao Dây thìa canh không gây độc tính bán trường diễn trên chuột cống thực nghiệm.
Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178, Số 5 (2024)