Ứng dụng mô hình dạy học 5E nhằm phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên cho học sinh
Năng lực tìm hiểu tự nhiên là một trong ba năng lực đặc thù của môn KHTN. Đây cũng là một năng lực hỗ trợ HS phát triển đầy đủ và toàn diện hơn trong quá trình tiếp cận với kiến thức chuyên môn.
Sự vươn lên mạnh mẽ của khoa học công nghệ (KHCN) đã tạo ra những bước tiến nhảy vọt ở các lĩnh vực điện tử, viễn thông, tin học và công nghệ thông tin, khiến các khía cạnh đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu đã có những tác động đáng kể. Ở Việt Nam, ảnh hưởng sự phát triển này trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đã mang những cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo dục trong việc đào tạo đội ngũ lao động phù hợp. Cụ thể các hình thức và phương pháp giáo dục cần có sự thay đổi để có thể chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực giúp cho HS được chủ động hơn trong việc học của mình. Năng lực tìm hiểu tự nhiên được coi là một trong những năng lực đặc thù, giúp người học chủ động hơn với kiến thức.
Mô hình dạy học 5E là một trong những mô hình học tập có tính hiệu quả cao, giúp HS tiếp cận đến với các kiến thức trong thực tiễn, từ đó phát triển được năng lực tìm hiểu tự nhiên, người học chủ động trong việc học, tìm kiếm thông tin và kiến thức.Trong bài báo này, chúng tôi sẽ sử dụng mô hình dạy học 5E với những đặc điểm và quy trình phù hợp để đánh giá mức độ của năng lực tìm hiểu tự nhiên, đồng thời đề xuất bộ công cụ đánh giá cụ thể cho hoạt động dạy và học mạch nội dung “Chất và sự biến đổi của chất” -Khoa học tự nhiên. Tiếp đó, tiến hành thực nghiệm 03 chủ đề của mạch nội dung trên:
(1) Oxygen và không khí;
(2) Một số vật liệu, nhiên liệu và nguyên liệu thông dụng;
(3) Hỗn hợp - Dung dịch - Chất tinh khiết, kiểm chứng độ tin cậy của bộ công cụ và xây dựng khả năng phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên với 04 mức độ.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng qua 03 chủ đề đã cho thấy được sự phù hợp của mô hình dạy học 5E. Trong quá trình thực nghiệm các chủ đề dạy học, sử dụng website trong dạy học, cũng như phân tích một số trường hợp HS, chúng tôi nhận thấy rằng cần có sự cải thiện, áp dụng các biện pháp giúp HS khắc phục, tạo điều kiện để phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên hơn, cụ thể:
+ Năng lực thành phần đặt câu hỏi, lên kếhoạch thực hiện khám phá kiến thức: GV cần tăng cường việc liên hệ, đưa các câu hỏi, tình huống thực tiễn có liên quan vào bài học, yêu cầu liên hệ với kiến thức để giải thích;
+ Năng lực thành phần thực hiện hoạt động khám phá khoa học: GV tạo điều kiện, gợi mở để HS có thể phân tích được vấn đề, đưa ra giả thuyết, đề xuất các nội dung nghiên cứu, tìm hiểu bài học. HS lập được kế hoạch, thực hiện theo kế hoạch đã đềra, có thể thảo luận nhóm để cùng nhau tìm ra các tài liệu học tập, thực hành thí nghiệm để chứng minh cho các chất, các hiện tượng trong thực tiễn;
+ Năng lực thành phần trình bày và phân tích dữ liệu: GV tạo cơ hội cho HS rèn luyện thêm các kĩ năng so sánh, đánh giá tính ưu việt khi sử dụng các phương pháp, phương tiện tìm hiểu kiến thức khác nhau. Từ đó có cái nhìn tổng quan, trình bày mạch lạc hơn về nội dung nghiên cứu;
+ Năng lực thành phần bàn luận về kết quả khoa học và đưa kết luận: HS có cơ hội rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ, thuyết trình hiệu quả, phân tích vấn đề, phản biện tích cực,lắng nghe và đưa ra những ý kiến đóng góp, cùng thảo luận để xây dựng nội dung học tập đa chiều hơn. GV cũng tạo điều kiện cho HS ngoài việc sử dụng ngôn ngữ, có thể sử dụng các hình ảnh, biểu đồ để trình bày vấn đề một cách mạch lạc, hiệu quả.
Như vậy, có thể thấy rằng việc tổ chức dạy học KHTN 6 (Mạch nội dung “Chất và sự biến đổi của chất”) theo mô hình dạy học 5E có tính hiệu quả cao, giúp góp phần phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên cho HS, đặc biệt là HS khối THCS khi các em tiếp cận chương trình mới với những nội dung kiến thức được ứng dụng nhiều hơn vào thực tiễn.