SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ hen phế quản có ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

[25/06/2024 13:54]

Các tác giả Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trường Đại học Y Hà Nội, Dương Quý Sỹ -Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Nguyễn Ngọc Quỳnh Lê - Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành nghiên cứu nhằm mục tiêu: Mô tả đặc điểm rối loạn tăng động giảm chú ý và các yếu tố liên quan trên bệnh nhi hen phế quản có ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) là hiện tượng tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn đường hô hấp trên lặp lại nhiều lần trong khi ngủ dẫn đến hậu quả giảm thở hoặc ngưng thở hoàn toàn kèm theo những gắng sức hô hấp. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhi hen đồng mắc OSA rất cao (19 - 60%). Hai bệnh lý này đồng thời gây thiếu oxy ngắt quãng, gián đoạn giấc ngủ, khó thở khi ngủ, làm giảm cung cấp oxy cho các phần của vỏ não, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần - vận động và có thể dẫn đến các rối loạn hành vi, giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ và đặc biệt hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở những trẻ này.4 Tỷ lệ ADHD ở trẻ tuổi đi học là 5%, trong khi tỉ lệ này ở trẻ OSA là 20 - 30%.

ADHD là một rối loạn phát triển, đặc trưng bởi biểu hiện giảm chú ý và/hoặc tăng động/bốc đồng diễn ra thường xuyên, xuất hiện ở nhiều môi trường và gây ảnh hưởng đến chức năng thông thường của trẻ (học tập, giao tiếp, chăm sóc cá nhân...)  và có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Precenzano cho thấy trẻ OSA có các chỉ số hiếu động thái quá, chỉ số bồn chồn - bốc đồng, chỉ số cảm xúc không ổn định, và các chỉ số theo thang điểm chẩn đoán ADHD cao hơn so với nhóm chứng. Nghiên cứu tổng quan hệ thống của Sedky kết luận có mối liên quan giữa các triệu chứng ADHD với mức độ nặng của OSA. ADHD ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cảm xúc và hòa nhập xã hội, gây khó khăn cho trẻ trong học tập và duy trì các duy trì mối quan hệ với các thành viên gia đình, bạn bè, thầy cô.

Nghiên cứu cắt ngang trên 84 bệnh nhi được chẩn đoán hen phế quản có ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ tại Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2022 nhằm mô tả tần suất, đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến rối loạn tăng động giảm chú ý ở nhóm trẻ trên. Số liệu được nhập và xử lý trên phần mềm SPSS 22.0, sử dụng các thuật toán thống kê: Chi-square test kiểm định sự khác biệt giữa các tỷ lệ, nếu có hơn 20% ô có tần số kỳ vọng nhỏ hơn 5 thì sử dụng kiểm định Fisher’s exact test. Phân tích hồi quy đa biến logistic, tìm yếu tố nguy cơrối loạn ADHD ở trẻ hen có OSA.

Kết quả cho thấy 36,9% trẻ hen đồng mắc ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ được chẩn đoán xác định rối loạn tăng động giảm chú ý. Tăng động giảm chú ý thể giảm chú ý nổi trội thường gặp nhất trong nghiên cứu (26,2%). Không có mối liên quan giữa mức độ kiểm soát hen với tăng động giảm chú ý. Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là yếu tố nguy cơ gây rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ hen đồng mắc ngưng thở (OR = 4,83; 95%CI: 2,43 - 9,59).

Hen phế quản, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ và tăng động giảm chú ý là các bệnh lý có mối tương quan mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau và gây khó khăn cho điều trị. Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là yếu tố nguy cơ đã được chứng minh gây rối loạn tăng động giảm chú ý. Do đó, cần sàng lọc và chẩn đoán sớm rối loạn trong nhóm bệnh nhân này.

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178, Số 5 (2024)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài