SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bước đầu đánh giá kết quả của can thiệp đa yếu tố trên chức năng thể chất của người bệnh mắc sa sút trí tuệ tại viện dưỡng lão

[25/06/2024 14:23]

Tác giả Nguyễn Xuân Thanh - Trường Đại học Y Hà Nội và các cộng sự thực hiện đề tài “Đánh giá kết quả của nghiên cứu can thiệp đa yếu tố trên chức năng thể chất của người bệnh mắc sa sút trí tuệ tại Viện dưỡng lão” với mục tiêu đánh kết quả của can thiệp đa yếu tố (thể chất, nhận thức, theo dõi và quản lý chuyên sâu các yếu tố nguy cơ chuyển hóa và mạch máu) trên chức năng thể chất của người bệnh mắc sa sút trí tuệ tại một số Viện dưỡng lão.

Tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ ngày càng gia tăng cùng với tốc độ già hóa trên thế giới. Năm 2015, có gần 50 triệu người mắc sa sút trí tuệ (SSTT), chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi toàn cầu. Nghiên cứu dịch tễ học tại Việt Nam đã ghi nhận tỉ lệ SSTT chiếm 9% đến 46,4% ở người cao tuổi. SSTT cũng là nguyên nhân chính gây ra khuyết tật và phụ thuộc trên người cao tuổi. Chi phí chăm sóc sức khỏe và chăm sóc dài hạn cho những người mắc SSTT là một trong những chi phí bệnh tật tốn kém nhất cho xã hội. Bên cạnh đó, SSTT cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, để lại nhiều gánh nặng cho người chăm sóc và toàn xã hội.

Mặc dù, có nhiều tiến bộ về thuốc, hiệu quả điều trị của bệnh vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt. Hiệu quả của các can thiệp đơn lẻ về dinh dưỡng, hoạt động thể lực, đào tạo nhận thức, thay đổi lối sống đối với người mắc chứng sa sút trí tuệ vẫn chưa rõ ràng. Một số hiệu quả tích cực đã được báo cáo đối với các biện pháp can thiệp hoạt động thể chất, rèn luyện nhận thức. Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ có ý nghĩa lâm sàng ở mức giới hạn và chất lượng tổng thể của bằng chứng không cao.4 Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc quản lý chủ động theo cách tiếp cận đa yếu tố có hiệu quả trong việc trì hoãn sự tiến triển hoặc làm chậm sự khởi phát của SSTT. Có nhiều con đường để phát triển bệnh SSTT, do vậy cũng có thể có nhiều cách để làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn tiến triển của bệnh. Các can thiệp đa yếu tố đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện nhận thức, giảm các triệu chứng tâm thần kinh và cải thiện chức năng thể chất hoặc khuyết tật ở bệnh nhân sa sút trí tuệ tại các viện dưỡng lão và cộng đồng.

Trong thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu tiến hành sàng lọc người cao tuổi tại các Viện dưỡng lão. Tổng số có 164 đối tượng nghiên cứu được chẩn đoán sa sút trí tuệ, trong đó 107 đối tượng đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu. Nghiên cứu thử nghiệm can thiệp ngẫu nhiên có nhóm chứng trên 60 người bệnh từ 60 tuổi trở lên, được chẩn đoán sa sút trí tuệ mức độ nhẹ - trung bình theo tiêu chuẩn DSM V, can thiệp có nhóm chứng ngẫu nhiên, thời gian can thiệp 06 tháng. Chức năng thể chất được đánh giá bằng trắc nghiệm đo cơ lực và trắc nghiệm 30 giây. Địa điểm nghiên cứu gồm các viện dưỡng lão Diên Hồng, Nhân Ái, Orihome.

Khi đó 60 người được phân nhóm ngẫu nhiên với tỷ lệ 1:1 (30 nhóm can thiệp, 30 nhóm chứng). Tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu: tuổi trung bình của nhóm can thiệp là 78,53 (7,44); tuổi trung bình của nhóm chứng 78,43 (8,81). Sau thời gian can thiệp 6 tháng, thay đổi của nhóm can thiệp so với nhóm chứng trên điểm cơ lực là 3,59 điểm (CI 95%: 1,29 - 8,47), điểm trắc nghiệm 30 giây là 2,6 điểm (CI 95%: 1,2 - 4,01). Khi đó, điểm cơ lực của nhóm can thiệp tăng so với nhóm chứng là 3,59 điểm. Trắc nghiệm đo cơ lực là trắc nghiệm đánh giá sức mạnh chi trên của người cao tuổi, với điểm số càng cao cho thấy cơ lực của đối tượng nghiên cứu càng tốt. Mặc dù, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, sự thay đổi của cơ lực của nhóm chứng so với nhóm can thiệp cho thấy xu hướng cải thiện cơ lực chi trên sau thời gian can thiệp.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy xu hướng cải thiện chức năng thể chất của người bệnh mắc sa sút trí tuệ tại Viện dưỡng lão. Cần có những nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn và thời gian can thiệp dài hơn để đánh giá hiệu quả can thiệp đa yếu tố trên người bệnh mắc sa sút trí tuệ tại Viện dưỡng lão.

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178 Số 5 (2024)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài