SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả của tiêm thuốc tê ngắt quãng theo chương trình vào khoang ngoài màng cứng trong giảm đau chuyển dạ

[25/06/2024 14:36]

Các tác giả Nguyễn Toàn Thắng thuộc Trường Đại học Y Hà Nội - Bệnh viện Bạch Mai và Hoàng Văn Tuấn, Nguyễn Văn Hoàng thuộc Bệnh viện Bạch Mai thực hiện nghiên cứu nhằm so sánh hiệu quả của tiêm ngắt quãng theo chương trình (PIEB) và truyền liên tục (CEI) thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng để giảm đau trong chuyển dạ đẻ tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đau trong quá trình chuyển dạ đẻ được cho là loại đau cấp tính dữ dội và nghiêm trọng nhất mà hầu hết các sản phụ phải trải qua trong đời. Đau luôn là mối quan tâm, nỗi sợ hãi, lo lắng của các sản phụ mỗi khi sinh nở. Trong quá trình chuyển dạ, đau không chỉ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của sản phụ mà còn làm cuộc chuyển dạ khó khăn hơn, làm tăng nguy cơ biến chứng cho sản phụ vả trẻ sơ sinh. Cho đến nay, gây tê ngoài màng cứng (NMC) vẫn là phương pháp giảm đau được chọn lựa với nhiều ưu điểm như chất lượng giảm đau tốt, ít ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ và trẻ sơ sinh.

Trước đây, truyền liên tục thuốc giảm đau qua catheter NMC (continuous epidural infusion - CEI) là phương pháp phổ biến do tính đơn giản trong cài đặt và sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tồn tại một số hạn chế liên quan đến nhu cầu dùng liều bolus giải cứu nhiều hơn để điều trị cơn đau bùng phát khi truyền liều thấp, hoặc phong bế vận động nhiều hơn khi truyền liều cao để giảm nhu cầu bổ sung liều bolus. Gần đây, nhiều loại bơm tiêm điện đã được cải tiến có chức năng nâng cao cho phép bơm các liều thuốc ngắt quãng theo chương trình (programmed intermittent epidural bolus - PIEB). Phương pháp này làm tăng phạm vi lan tỏa thuốc do tăng thể tích phân bố thuốc tê trong khoang ngoài màng cứng và đã cho thấy có tác dụng giảm đau hiệu quả, ít cần liều bolus giải cứu đau và tăng sự hài lòng của sản phụ so với phương pháp truyền liên tục.

Sản phụ trong độ tuổi sinh đẻ có chỉ định đẻ đường tư nhiên, đã chuyển dạ, thể trạng ASA I, II, đau nhiều VAS > 3 tại phòng Đẻ - khoa Phụ Sản, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 6/2022 đến 12/2022. Sản phụ được loại trừ bao gồm, có chống chỉ định của gây tê NMC như rối loạn đông máu, nhiễm trùng... hay ngôi thai bất thường, suy thai, rối loạn cơn co tử cung hoặc sản phụ không đồng ý tham gia.

Các tác giả can thiệp lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng cho 60 sản phụ chuyển dạ được gây tê ngoài màng cứng và phân ngẫu nhiên vào nhóm P (n = 30, dùng PIED) và nhóm C (n = 30, dùng CEI). Điểm đau, số liều giải cứu, tổng liều thuốc tê, ảnh hưởng lên vận động và mức độ hài lòng của mẹ và điểm Apgar được ghi nhận.

Kết quả cho thấy điểm đau VAS đều dưới 4 và tương đương nhau ở hai nhóm trong quá trình chuyển dạ, tuy nhiên tỉ lệ cần liều giải cứu ở nhóm P ít hơn nhóm C (20% so với 40%, p < 0,05). Ảnh hưởng lên điểm Bromage ở mẹ và điểm Apgar của sơ sinh là tương đương nhau. Tỷ lệ sản phụ rất hài lòng ở nhóm P cao hơn đáng kể so với nhóm C (90% vs 60%, p < 0,05). Kết luận, PIEB là phương thức mang lại hiệu quả giảm đau tốt, ít phải can thiệp chỉnh liều và tăng sự hài lòng cho sản phụ.

Nghiên cứu cho thấy khi đặt catheter ngoài màng cứng để giảm đau trong chuyển dạ đẻ, phương pháp dùng thuốc ngắt quãng theo chương trình có hiệu quả giảm đau tốt (VAS < 4) và tương đương với phương pháp truyền liên tục, nhưng nhu cầu dùng các liều giải cứu đau (6 so với 12 lần), tổng liều thuốc tiêu thụ thấp hơn trong khi đạt được sự hài lòng cao hơn của sản phụ.

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178, Số 5 (2024)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài