SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Căng thẳng học tập, chất lượng giấc ngủ ở học sinh THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, thành phố Long Xuyên, An Giang và các yếu tố liên quan

[25/06/2024 15:35]

Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu là ngôi trường đầu tiên tại An Giang đạt chuẩn quốc gia, dẫn đầu khối phổ thông về chất lượng giáo dục. Học sinh học tại trường được đánh giá có chất lượng cao hàng đầu của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho các em chưa được chú trọng và đến hiện tại có rất ít nghiên cứu được thực hiện về CTHT, CLGN. Chính vì vậy, nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Huỳnh Thùy Trang, Lê Trường Vĩnh Phúc và Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện với các mục tiêu: Xác định tỉ lệ học sinh THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, thành phố Long Xuyên, An Giang có dấu hiệu căng thẳng học tập và chất lượng giấc ngủ kém; Xác định các mối liên quan giữa các yếu tố cá nhân, gia đình, nhà trường ảnh hưởng đến căng thẳng học tập, chất lượng giấc ngủ ở các em; Xác định mối liên quan giữa căng thẳng học tập và chất lượng giấc ngủ.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng trong học tập có mối liên quan với chất lượng giấc ngủ ở học sinh.

Căng thẳng học tập (CTHT) được định nghĩa là phản ứng của cơ thể đối với các nhu cầu liên quan đến học tập vượt quá khả năng thích ứng của người học. Ở học sinh, CTHT tác động tiêu cực đến năng lực và thành tích học tập, sức khỏe thể chất và tâm thần, lạm dụng chất, thậm chí là ý định tự tử. Một số nghiên cứu trước báo cáo rằng tỉ lệ CTHT trung bình - nặng cao ở học sinh như ở Thái Lan (62,0%), Ấn Độ (47,0%). Riêng ở Việt Nam, tỉ lệ này trong 5 năm gần đây được ghi nhận dao động từ 60,5% đến 69,52%. Bên cạnh đó, tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khoẻ vị thành niên đã được công nhận rộng rãi. Thiếu ngủ có liên quan đến các vấn đề về hành vi, tăng nguy cơ tai nạn thương tích, trầm cảm, ý tưởng hành vi tự sát. Tại Việt Nam, tỉ lệ chất lượng giấc ngủ (CLGN) kém ở học sinh THPT dao động từ 31,5% đến 57,3%.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng trong học tập có mối liên quan với chất lượng giấc ngủ ở học sinh. Ngủ không đủ giấc khiến học sinh khó tập trung và học tập kém hiệu quả, dễ bị căng thẳng hơn. Thanh thiếu niên bị CTHT nhiều hơn thì có CLGN kém hơn. Đây thực sự là vấn đề sức khỏe đáng báo động ở lứa tuổi vị thành niên, nó không những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các em nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Các tác giả thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang nhằm xác định tỉ lệ học sinh THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, thành phố Long Xuyên, An Giang có căng thẳng học tập trung bình - nặng, chất lượng giấc ngủ kém và các yếu tố liên quan. Từ tháng 02/2023 - 04/2023, có 447 học sinh trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, TP. Long Xuyên, An Giang được chọn tham gia nghiên cứu. Tình trạng căng thẳng học tập được xác định bằng thang đo ESSA và chất lượng giấc ngủ được đánh giá bằng thang đo PSQI.

Kết quả cho thấy tỉ lệ học sinh có căng thẳng học tập từ mức trung bình trở lên chiếm 60,0%, trong đó căng thẳng học tập nặng chiếm 25,8%. Tỉ lệ học sinh có chất lượng giấc ngủ kém là 70,1%. Các yếu tố liên quan đến tình trạng căng thẳng học tập của học sinh là tuổi, học lực, tình trạng hôn nhân của cha mẹ và mối quan hệ với giáo viên. Các yếu tố liên quan đến chất lượng giấc ngủ của học sinh là chức vụ, người sống chung, tình cảm gia đình và mối quan hệ với bạn bè. Nghiên cứu cũng ghi nhận sự khác biệt giữa chất lượng giấc ngủ với mức độ căng thẳng học tập của học sinh (p < 0,001). Tỉ lệ căng thẳng học tập trung bình - nặng và chất lượng giấc ngủ kém ở học sinh khá cao.

Tỉ lệ căng thẳng học tập (CTHT) trung bình - nặng và chất lượng giấc ngủ (CLGN) kém ở học sinh khá cao. Các yếu tố liên quan đến tình trạng CTHT trung bình - nặng là tuổi, học lực, tình trạng hôn nhân của cha mẹ và mối quan hệ với giáo viên. Các yếu tố liên quan đến CLGN kém là chức vụ, người sống chung, tình cảm gia đình và mối quan hệ với bạn bè. Nhà trường cần quan tâm hơn đến các nhóm học sinh nữ, học sinh cuối cấp, không sống chung với cha mẹ; giải tỏa gánh nặng về thành tích học tập và chức vụ cho các em, tạo môi trường học tập lành mạnh, thân thiện giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau. Việc duy trì tình cảm ruột thịt giữa các thành viên trong gia đình cũng là cần thiết để giúp học sinh giảm CTHT và cải thiện, nâng cao CLGN.

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178 Số 5 (2024)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài