SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số yếu tố liên quan đến thiếu máu ở trẻ đẻ non dưới 32 tuần tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương

[25/06/2024 16:04]

Thiếu máu ở trẻ sơ sinh được định nghĩa khi nồng độ hemoglobin hoặc hematocrit dưới 2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình theo tuổi sau sinh của trẻ. Thiếu máu ở trẻ sơ sinh có thể là sinh lý hoặc bệnh lý. Thiếu máu ở trẻ đẻ non thường là thiếu máu bệnh lý. Thiếu máu ở trẻ đẻ non có nhiều yếu tố liên quan. Vì thế, các tác giả Nguyễn Thị Vân - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội và Lê Minh Trác, Phạm Hoàng Thái - Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiến hành nghiên cứu với mục tiêu: xác định tỷ lệ thiếu máu ở trẻ đẻ non dưới 32 tuần và phân tích một số yếu tố liên quan đến thiếu máu ở trẻ đẻ non tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Thiếu máu ở trẻ sinh non. (Hình minh họa)

Thiếu máu ở trẻ sơ sinh được định nghĩa khi nồng độ hemoglobin hoặc hematocrit dưới 2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình theo tuổi thai. Thiếu máu ở trẻ sơ sinh có thể là sinh lý hoặc bệnh lý. Thiếu máu bệnh lý thường là hậu quả của mất máu nhiều, tăng phá hủy hồng cầu hoặc giảm sản xuất hồng cầu.

Thiếu máu ở trẻ đẻ non là một dạng của thiếu máu bệnh lý. Kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở trẻ đẻ non dao động từ 6% đến 70% tùy theo từng nghiên cứu và thời điểm sau sinh của trẻ đẻ non. Thiếu máu ở trẻ đẻ non có nhiều yếu tố liên quan, là sự kết hợp giữa những thay đổi sinh lý ở trẻ đẻ non (thiếu dự trữ sắt ở 3 tháng cuối thai kì, đời sống hồng cầu ngắn, nồng độ erythropoietin trong máu thấp) và mất máu do làm xét nghiệm thường xuyên. Trong đó, mất máu do lấy máu làm xét nghiệm là một trong các nguyên nhân quan trọng nhất gây thiếu máu ở trẻ đẻ non. Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong những bệnh viện sản khoa đầu ngành ở Miền Bắc, là nơi tiếp nhận nhiều sản phụ với tình trạng bệnh lý phức tạp có thể ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh. Trung tâm Chăm sóc và Điều trị Sơ sinh của bệnh viện hàng năm tiếp nhận khoảng 15.000 lượt trẻ sơ sinh điều trị với tỷ lệ trẻ đẻ non chiếm 22,4%, hầu hết là những trẻ sơ sinh non tháng có tình trạng nặng và nhiều bệnh lý phức tạp.

Các tác giả thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 130 trẻ sơ sinh non tháng có tuổi thai dưới 32 tuần tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương trong thời gian từ tháng 09/2023 đến tháng 03/2024.

Tuổi thai trung bình của nhóm nghiên cứu là 30,04 ± 1,79 tuần. Cân nặng khi sinh trung bình là 1317,3 ± 336,6 gram. Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ đẻ non dưới 32 tuần là 47,7%. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ có tuổi thai 27 tuần, với tỷ lệ 100%. Trẻ có tuổi thai từ 27 tuần trở lên tỷ lệ thiếu máu tỷ lệ nghịch so với tuổi thai. Số lần lấy máu trong quá trình điều trị trên 3 lần và trẻ bị mắc bệnh phổi mạn là yếu tố nguy cơ của thiếu máu ở trẻ đẻ non.

Với kết quả trên cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ đẻ non từ 32 tuần trở xuống trong nghiên cứu là khá cao. Tỷ lệ thiếu máu giảm đi khi tuổi thai của trẻ tăng lên. Có mối liên quan giữa số lần lấy máu xét nghiệm và bệnh phổi mạn với thiếu máu ở trẻ đẻ non.

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178 Số 5 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ