SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân tích một loạt ca bệnh thai phụ có thai chết lưu liên quan tới đái tháo đường tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai

[25/06/2024 16:35]

Đái tháo đường có liên quan đến tăng nguy cơ thai chết lưu. Tác giả Nguyễn Đình Đức - Bệnh Viện Bạch Mai và các cộng sự đã phân tích các đặc điểm của thai phụ có thai chết lưu liên quan tới đái tháo đường và tìm các yếu tố nguy cơ để dự phòng.

Đái tháo đường tăng nguy cơ đáng kể cho cả mẹ và thai nhi, nguyên nhân do duy trì nồng độ glucose máu cao, cùng với các biến chứng mạn tính. Trong thai kì, đái tháo đường có thể gây ra nhiều rủi ro cụ thể như sảy thai tự nhiên, dị tật thai, tiền sản giật, thai chết lưu, thai to, hạ đường máu sơ sinh và hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, cùng với nhiều nguy cơ khác. Theo Hiệp hội Sản khoa Hoa Kỳ, thai chết lưu là tình trạng thai nhi không còn sống từ sau tuần thứ 20 đến thời điểm chuyển dạ của người mẹ.

Thai phụ mắc đái tháo đường trước khi mang thai đối diện với nguy cơ thai chết lưu cao hơn gấp 4 - 5 lần. Một số yếu tố nguy cơ góp phần vào việc xảy ra thai chết lưu ở thai phụ mắc đái tháo đường bao gồm BMI cao, HbA1c và mức đường huyết tăng. Ngoài ra, nguy cơ này còn tăng đáng kể ở phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ mà không được sàng lọc kỹ hoặc được chẩn đoán muộn. Tuy nhiên, thông tin và báo cáo về thai chết lưu ở thai phụ mắc đái tháo đường vẫn còn ít. Phòng ngừa thai chết lưu đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp can thiệp sản khoa cho bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là trong việc quyết định thời điểm sinh.

Các tác giả đã thu thập tất cả dữ liệu từ cơ sở dữ liệu điện tử và bệnh án trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2023; thực hiện nghiên cứu hồi cứu, mô tả trên 20 người có thai chết lưu mắc đái tháo đường được nhập viện đến Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn có Trung tâm sản khoa và nội tiết hàng đầu ở miền Bắc

Kết quả cho thấy, tuổi trung bình của thai phụ là 30,2 ± 7,4 với 70% dưới 35 tuổi. Tuổi thai trung bình khi thai chết lưu là 30,2 ± 6,2 tuần. 65% thai phụ chưa được chẩn đoán đái tháo đường trước khi mang thai. Nồng độ HbA1c trung bình là 9,0 ± 3,3% với 65% có HbA1c ≥ 6,5%. Đường máu trung bình lúc nhập viện là 21,8 ± 10,3 mmol/L. 85% thai phụ có thai chết lưu bị toan chuyển hóa với HCO3 < 18 mEq/L, trong đó 65% bị toan mất bù với pH < 7,35.

Với kết quả nghiên cứu trên cho thấy rằng, thai phụ gặp các vấn đề phổ biến như đường máu cao không được kiểm soát, toan chuyển hóa, và thiếu sàng lọc đái tháo đường khi có thai chết lưu. Việc chẩn đoán và kiểm soát đường máu kịp thời là rất quan trọng để giảm nguy cơ thai chết lưu trong nhóm đối tượng này.

Ngoài ra, kết quả về thai chết lưu liên quan đến đái tháo đường, với các yếu tố như tăng đường máu, toan ceton, tuổi thai từ 28 đến 37, thiếu quản lý và theo dõi đường máu. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng nghiên cứu này có hạn chế trong việc là một báo cáo chùm với một mẫu nhỏ, và không có so sánh với nhóm kiểm soát để xác định rõ hơn về yếu tố nguy cơ. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu và mở rộng dữ liệu là cần thiết để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này và từ đó đưa ra các chiến lược can thiệp y tế hiệu quả để giảm thiểu rủi ro cho thai phụ và thai nhi.

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178, Số 5 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ