SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp về độc tính của thuốc lá nung nóng so với thuốc lá thông thường

[25/06/2024 16:59]

Độc tính của thuốc lá nung nóng là chủ đề đang được quan tâm trong thời gian gần đây. Nghiên cứu được các tác giả Trần Khánh Toàn, Đinh Huỳnh Linh, Hồ Thị Kim Thanh, Phạm Thị Ngọc Bích, Phạm Quỳnh Trang - Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện nhằm mục tiêu tổng hợp kết quả các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng đánh giá độc tính của thuốc lá nung nóng so với thuốc lá thông thường dựa trên các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm.

Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (Ảnh minh họa)

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở người, có liên quan đến việc hít phải các hóa chất độc hại có trong khói thuốc. Trong thành phần thuốc lá, có khoảng 600 hoá chất, khi đốt cháy tạo nên khoảng 7000 hợp chất khác nhau, trong đó có khoảng 80 chất được coi là có khả năng gây ung thư. Cai thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm gánh nặng bệnh tật và kinh tế gây ra do hút thuốc lá. Bên cạnh đó, các hình thức cung cấp nicotine thay thế ít độc hại hơn được coi là các sản phẩm giảm tác hại của thuốc lá.

Thuốc lá nung nóng (TLNN) hay còn gọi là thuốc lá không đốt cháy là một sản phẩm trong đó thuốc lá được nung nóng ở nhiệt độ thấp hơn so với thuốc lá đốt cháy thông thường (TLTT). TLNN được phát triển dựa trên cơ sở lý thuyết việc giảm nhiệt độ đốt cháy sẽ giúp giảm số lượng và hàm lượng các hoá chất độc hại trong khói thuốc. Dữ liệu hiện tại cho thấy số lượng và hàm lượng các chất độc hại trong TLNN thấp hơn hẳn trong TLTT, qua đó TLNN có tiềm năng trở thành sản phẩm thuốc lá giảm nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và nó đã được đề xuất như một giải pháp thay thế nhằm giảm tác hại của TLTT. Ngoài ra, TLNN cũng đã được Cơ quan quản lý thực phẩm và mỹ phẩm (FDA) Hoa Kỳ chứng nhận là một sản phẩm thuốc lá giảm tác hại được phép quảng cáo, kinh doanh thương mại từ năm 2020. Hiện nay, TLNN đã có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới với tỷ lệ sử dụng đang có xu hướng gia tăng nhanh. Ước tính tỷ lệ đã từng hút TLNN ở người trưởng thành là 4,8%; tỷ lệ hút hiện tại và hút hằng ngày lần lượt là 1,53% và 0,79% trong giai đoạn 2015 - 2022.

Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp được thực hiện từng bước theo bảng kiểm PRISMA (Prefered Reporting Items for Systematic Review and Meta Analysis) phiên bản 2020. Mười bài báo gốc đã được tuyển chọn từ 187 bài báo theo tiêu chuẩn thuộc 3 cơ sở dữ liệu điện tử: PubMed, Sciencedirect và ProQuest từ 2010 - 2023 theo hướng dẫn PRISMA 2020.

Kết quả cho thấy nồng độ của 14 chỉ điểm sinh học phơi nhiễm quan trọng (1-OH, 2-AN, 3-HMPMA, 3-HPMA, 4-ABP, CEMA, CoHb, HEMA, MHBMA, NNAL, NNN, S-PMA, TNeq, và O-Tol) đều thấp hơn có ý nghĩa thống kê ở những người hút thuốc lá nung nóng so với người hút thuốc lá thông thường; mức giảm cao nhất với TNeq (68,6%) và thấp nhất với CEMA (13,4%). Độc tính của thuốc lá nung nóng, đánh giá thông qua các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm, giảm đáng kể so với thuốc lá thông thường.

Với kết quả nghiên cứu trên cho thấy độc tính của TLNN, giảm đi đáng kể so với TLTT khi đánh giá thông qua các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm. Tuy nhiên do số lượng nghiên cứu gốc chưa nhiều và số lượng các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm được đánh giá còn hạn chế đòi hỏi phải có thêm nhiều nghiên cứu độc lập, toàn diện hơn nữa về tính an toàn của TLNN so với TLTT.

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 178, Số 5 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ