Ứng dụng công nghệ thông tintrong đánh giá định hướng phát triển năng lực toán học
Nghiên cứu tìm hiểu về một số xu thế ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quá trình đánh giá định hướng phát triển năng lực toán học.
Trong lí luận dạy học truyền thống, mục tiêu, nội dung, phương pháp là ba thành phần cơ bản của quá trình dạy học (QTDH) môn Toán, có tác động qua lại quy định lẫn nhau, trong đó mục tiêu giữ vai trò chủ đạo. Trong lớp học, trước đây, đánh giá đơn thuần là “việc giáo viên đánh giá học sinh”: đối với giáo viên (GV) việc ĐG học sinh (HS) cung cấp những thông tin cần thiết (về trình độ và kết quả học tập, những sai sót điển hình, những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân GV, hiệu quả của phương pháp, phương tiện, hình thức dạy học) để từ đó có thể có những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học. Mức độ ĐG, do vậy, được quan niệm phổ biến ở ĐG kết quả học tập, chủ yếu là về những kiến thức, kĩ năng mà HS đạt được. Tuy nhiên, khi khoa học ĐG ngày càng phát triển, vai trò của ĐG trong giáo dục trong QTDH ngày càng được khẳng định. Theo chuyên gia, kiểm tra đánh giá (KTĐG) là một bộ phận không thể tách rời của QTDH, một công cụ hành nghề quan trọng của GV và một bộ phận quan trọng của quản lí giáo dục, quản lí chất lượng dạy và học. Trên lớp học, KTĐG được gắn với những mục tiêu phân loại HS, lên kế hoạch và điều chỉnh hoạt động giảng dạy, phản hồi và khích lệ, phán đoán giá trị, xếp loại học tập và phân định mức tiến bộ.
Hoàn cảnh và mục tiêu dạy học môn Toán, ngày nay đang dần thay đổi: ở nước ta, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chương trình tiếp cận năng lực. Vấn đề hoàn toàn mới được đặt ra trong công cuộc chuyển đổi từ dạy học tiếp cận nội dung sang dạy học tiếp cận năng lực là ĐG quá trình học tập như thế nào? Ứng dụng CNTT là một cách làm hiệu quả đã được các nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm một cách sâu sắc, hệ thống: Stacey và Dylan đã chỉ ra tiềm năng và những lợi thế của CNTT trong đánh giá kết quả học tập môn Toán. DiCerbo và Behrens trình bày quá trình chuyển dịch bốn cấp độ trong môn toán, từ sơ khai nhất là các bài thi trên máy tới hiện đại, tiến bộ nhất là đánh giá thông minh.Sau đó một năm, Redecker và Ø. Johannessen sau khi phân tích các xu hướng nghiên cứu, ứng dụng đã tổng kết bốn giai đoạn phát triển của cách thức ứng dụng CNTT trong đánh giá kết học tập môn Toán. Có thể nói, phương thức này đã rất phát triển trên thế giới, nhưng dường như chưa được các nhà nghiên cứu trong nước quan tâm đúng mức.

Nghiên cứu đã đi sâu vào các vấn đề như: Mô hình năng lực toán học; sự chuyển dịch; về đánh giá trong dạy học định hướng năng lực; ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá định hướngphát triểnnăng lực toán học và đưa ra biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá định hướng phát triển năng lực toán học.
Nhóm các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng việc “đo”, “đánh giá” năng lực toán học của HS là hết sức khó khăn, không thể tin tưởng tuyệt đối vào đánh giá kiến thức kĩ năng mà cần xác định lại triết lí - mục tiêu, tiến hành dần sự chuyển dịch sang ĐG năng lực với sự lựa chọn hình thái, phương pháp, công cụ,kĩ thuật... phù hợp.
Để tiến hành ĐG định hướng NLTH, ứng dụng CNTT là một cách làm đã được thừa nhận rộng rãi là khả thi, hiệu quả trong giáo dục toán học. Ở nước ta, ứng dụng CNTT trong ĐGĐH PTNLTH là vấn đề cần thiết, khả thi và có nhiều cơ sở để tin tưởng vào tính hiệu quả. Tuy vậy vẫn còn không ít khó khăn phải khắc phục để hướng tới triển khai thực hành rộng rãi cho GV khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông môn Toán 2018.
Có thể triển khai rộng rãi ba biện pháp ứng dụng CNTT trong đánh giá: (i) tối ưu hóa bài trắc nghiệm, (ii) tăng cường ĐG đồng đẳngvà tự ĐG và (iii) đa dạng hoá các nhiệm vụ học tập đa phương tiện. Những biện pháp này có cơ sở lí luận vững chắc, tận dụng được những thế mạnh của CNTT trong dạy học toán và phù hợp với xu thế trên thế giới.
Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Khoa học Giáo dục (Tập 1, số 68, năm 2023)