SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hoạt động giáo dục nâng cao kỹ năng xã hội cho trẻ khuyết tật

[27/06/2024 11:27]

Trẻ khuyết tật là nhóm trẻ dễ bị tổn thương, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và thiếu hụt những kỹ năng xã hội cơ bản. Trên cơ sở lựa chọn một trường hợp nghiên cứu điển hình là Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người Khuyết tật tỉnh Nghệ An, bài viết sử dụng kết hợp phương pháp thu thập thông tin định lượng và định tính làm rõ hoạt động giáo dục nâng cao kỹ năng xã hội cho trẻ khuyết tật. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội. Vì thế trẻ khuyết tật có nhu cầu được giáo dục nâng cao kỹ năng xã hội. Trung tâm đã tổ chức các hoạt đông nâng cao kỹ năng xã hội cho trẻ khuyết tật và được các em hưởng ứng. Tuy nhiên, trẻ khuyết tật vẫn còn gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người Khuyết tật Nghệ An.

Trong những thập kỷ gần đây, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo quyền được học tập của trẻ em khuyết tật. Việc triển khai các hoạt động giáo dục đặc biệt giúp trẻ khuyết tật có thể hòa nhập trong các nhóm, cộng đồng là ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu giáo dục của trẻ khuyết tật. Điều này đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã tham gia ký kết, Luật người Khuyết tật, Luật Giáo dục của Việt Nam. Nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra trẻ khuyết tật là nhóm trẻ dễ bị tổn thương, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và thiếu hụt những kỹ năng xã hội cơ bản. Đối với nhóm trẻ khuyết tật, do bị khiếm khuyết về chức năng cơ thể, các em thường gặp khó khăn trước yêu cầu giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Sự hình thành và phát triển kỹ năng xã hội ở trẻ khuyết tật muộn và chậm hơn so với trẻ bình thường cùng độ tuổi. Hiện nay đã có những nghiên cứu cho thấy, nếu không được can thiệp giáo dục phù hợp, những kỹ năng xã hội ở nhóm trẻ khuyết tật có thể bị phát triển lệch hướng, điều đó sẽ làm cho trẻ khuyết tật gặp nhiều rào cản trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, việc giáo dục và hướng dẫn, hỗ trợ trẻ khuyết tật các kỹ năng xã hội là mục tiêu ưu tiên số một trong các cơ sở điều trị, can thiệp, giáo dục trẻ khuyết tật.

Trong bài viết này, phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp với nghiên cứu định tính được áp dụng, lựa chọn trường hợp nghiên cứu điển hình là Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người Khuyết tật tỉnh Nghệ An. Về nghiên cứu định lượng, phương pháp điều tra bằng bảng hỏi được sử dụng với hai nhóm đối tượng như sau: Thứ nhất, khảo sát bảng hỏi bằng hình thức tự ghi với 104 phụ huynh có con đang học tập tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề người Khuyết tật Nghệ An. Các câu hỏi tập trung vào việc tìm hiểu ý kiến của phụ huynh về những khó khăn trong giao tiếp của trẻ và nhu cầu về nâng cao kỹ năng xã hội cho trẻ khuyết tật; Thứ hai, thực hiện phỏng vấn cấu trúc với 40 học sinh khuyết tật, nội dung câu hỏi tập trung vào việc hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội mà các em được học đang học tập tại trung tâm. Những học sinh khuyết tật được lựa chọn có khả năng hiểu và trả lời được câu hỏi để phỏng vấn, bao gồm học sinh khuyết tật vận động, học sinh khuyết tật trí tuệ nhẹ. Đối với học sinh câm điếc, các em có thể đọc hiểu văn bản nên có thể tự trả lời các câu hỏi trong phiếu hỏi.

Về nghiên cứu định tính, phỏng vấn sâu (PVS) được thực hiện đối với 5 thầy, cô giáo phụ trách chăm sóc, giảng dạy học sinh trong trung tâm và 5 học sinh khuyết tật. Nội dung câu hỏi tập trung vào các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ khuyết tật; đồng thời kết hợp phân tích các tài liệu, báo cáo về hoạt động giáo dục học sinh của Trung tâm trong năm học 2022-2023.

Những rào cản về giao tiếp xã hội đối với trẻ khuyết tật trong quá trình học tập

Để tìm hiểu những khó khăn, rào cản trong giao tiếp xã hội đối với trẻ khuyết tật trong quá trình học tập, 104 phụ huynh được khảo sát ý kiến bằng thang đo Likert 5 điểm theo mức độ từ 1 đến 5, trong đó 1 điểm tương ứng với hoàn toàn không đồng ý, 2 điểm tương ứng với không đồng ý, 3 điểm tương ứng với bình thường, 4 điểm tương ứng với đồng ý và 5 điểm tương ứng với hoàn toàn đồng ý.

- Khả năng giao tiếp hạn chế. Điểm trung bình 3,60

- Tâm lý e ngại, sợ đi học. Điểm trung bình 2,76

- Gặp khó khăn khi kết bạn. Điểm trung bình 3,32

- Không kiểm soát được hành vi. Điểm trung bình 3,09

Dữ liệu cho thấy, khó khăn giao tiếp xã hội được phụ huynh thừa nhận nhiều nhất là “khả năng giao tiếp hạn chế” (3,6 điểm), tiếp đến là “khó khăn khi kết bạn” (3,32 điểm) và sau đó là “không kiểm soát được hành vi” (3,09 điểm). Đây cũng là những đặc trưng nổi bật của trẻ khuyết tật thường gặp. Đã có những nghiên cứu chỉ ra tư duy của trẻ khuyết tật mang tính cụ thể, trực quan, yếu về khái quát hóa bản chất của sự vật hay hiện tượng: thường đưa ra những nhận xét không đúng về bản chất của đối tượng, khả năng phân biệt kém, nhất là với các đối tượng có những đặc điểm gần giống nhau về màu sắc, hình dáng, kích cỡ... Khó phân biệt và nhận biết các loại âm thanh khác nhau - đây là nguyên nhân gây ra sự kém phát triển về ngôn ngữ và tư duy cũng như định hướng trong môi trường xung quanh của các em sau này; tư duy thường thiếu tính liên tục khó duy trì trong tư duy (Nguyễn Văn Hưng, 2017). Bên cạnh đó, đối với những trẻ khuyết tật trí tuệ, ngôn ngữ thường phát triển chậm hơn so với các trẻ bình thường cùng độ tuổi. Trẻ khuyết tật trí tuệ thường ít dùng những câu phức tạp, mà chỉ dùng các câu đơn để diễn đạt từng ý nhỏ của mình, ít dùng liên từ; các em cũng rất khó khăn khi cần tìm những từ diễn tả ý nghĩ của mình. Chính vì vậy các em gặp khó khăn, hạn chế khi giao tiếp cũng như kết bạn.

Bên cạnh đó, ở trẻ xuất hiện nhiều loại phản ứng mang tính xúc cảm khác nhau: tự vệ - công kích, tự vệ - thụ động “quá trẻ con” (Nguyễn Văn Hưng, 2017). Tất cả đều là dạng thần kinh ban đầu của nhân cách. Trong đó, ở một số trẻ là sự hung dữ, hành động không nhất quán, những hành vi thiếu suy nghĩ, còn ở một số trẻ khác là sự nhút nhát, hay khóc nhè, thiếu tự tin hoặc có không kiểm soát được hành vi của mình.

Điều đáng mừng là mức độ phụ huynh đồng ý với quan điểm “Tâm lý e ngại, sợ đi học” không cao (2,76 điểm). Sở dĩ như vậy là do các em được vào học tại một cơ sở giáo dục chuyên biệt phù hợp với đặc điểm khuyết tật của các em. Tại đây, trẻ khuyết tật có cùng đặc điểm chung, và chương trình học cũng như đội ngũ giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành về giáo dục đặc biệt, chính vì vậy các em được học tập, sinh hoạt và vui chơi phù hợp với môi trường giáo dục mà các em cần. Liên quan đến vấn đề này, giáo viên tại trung tâm cho rằng: “Các em khuyết tật khi mới vào trung tâm thì vẫn còn e ngại, tuy nhiên sau một thời gian học tập, các em hòa đồng với mọi người vì tất cả các em đều khuyết thiếu tương tương nhau. Ở trung tâm, các thầy cô và các cán bộ nhân viên cũng tạo môi trường thân thiện với các em, và chúng tôi cũng lấy làm vui khi được dạy văn hóa, dạy nghề cho các em” (Trích PVS số 5, nam, 45 tuổi, thành phố Vinh, giáo viên tại Trung tâm).

Bên cạnh khảo sát ý kiến của phụ huynh và giáo viên, môt số học sinh được phỏng vấn sâu để hiểu thêm về những khó khăn mà các em phải đối mặt. “Bởi vì em bị tật ở tay nên em chỉ có thể viết rất chậm và khó khăn trong việc học thêu, cái nghề này tay phải dẻo dai thì làm sẽ đơn giản hơn nhiều, em cũng gặp khó khăn khi giao lưu kết bạn” (Trích PVS số 2, nữ, 16 tuổi, thành phố Vinh, học sinh tại Trung tâm). “Em bị chân tay yếu, thường xuyên bị run, vì vậy đi lại cũng khó khăn, em ít đi dạo hay là đi ra ngoài chơi với các bạn, em thường ngồi trong phòng hoặc dãy ghế ngoài sân. Tay yếu nên việc gõ bàn phím máy tính cũng gây khó khăn cho em, tuy nhiên em rất thích học vi tính”( Trích PVS số 3, nam, 12 tuổi, thành phố Vinh, học sinh tại Trung tâm).

Như vậy, trên cơ sở phỏng vấn ý kiến của phụ huynh, học sinh và giáo viên tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người Khuyết tật Nghệ An cho thấy, học sinh khuyết tật có nhiều khó khăn trong hoạt động và sinh hoạt, hạn chế trong việc đi lại, đồng thời, các em còn gặp những rào cản liên quan đến khả năng giao tiếp hạn chế, khó khăn khi kết bạn cũng như khó kiểm soát được hành vi của mình.

Nhu cầu nâng cao kỹ năng xã hội của học sinh tại Trung tâm Giáo dục Dạy nghề người Khuyết tật Nghệ An

104 phụ huynh đã được khảo sát ý kiến về nhu cầu nâng cao kỹ năng xã hội của học sinh tại Trung tâm Giáo dục Dạy nghề người Khuyết tật Nghệ An, sử dụng thang đo Likert 5 điểm theo mức độ từ 1 đến 5, trong đó 1 điểm tương ứng với hoàn toàn không đồng ý, 2 điểm tương ứng với không đồng ý, 3 điểm tương ứng với bình thường, 4 điểm tương ứng với đồng ý và 5 điểm tương ứng với hoàn toàn đồng ý. Bằng cách tính điểm trung bình, kết quả nghiên cứu thu được như sau:

- Mong muốn được tham gia các hoạt động ngoại khóa. Điểm trung bình 4,45

- Mong muốn được tham gia lớp học kỹ năng sống. Điểm trung bình 4,44

- Mong muốn được tạo điều kiện để phát triển kỹ năng. Điểm trung bình 4,41

Dữ liệu cho thấy, phần lớn phụ huynh đều đồng ý với các quan điểm đưa ra về các nhu cầu xã hội của trẻ khuyết tật. Trong đó, nhu cầu xã hội được lựa chọn nhiều nhất là “mong muốn được tham gia các hoạt động ngoại khóa” (4,45 điểm), “mong muốn được tham gia lớp học kỹ năng sống” (4,44 điểm), “mong muốn được tạo điều kiện để phát triển kỹ năng” (4,41 điểm). Như vậy có thể thấy, đối với phụ huynh có con khuyết tật, điều họ mong mỏi là các em không chỉ được học văn hóa, học nghề mà còn có nhu cầu được tham gia các chương trình, khóa học nâng cao kỹ năng (chẳng hạn như hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống) và các hoạt động xã hội khác để có thể tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Sự tham gia các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội của học sinh tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người Khuyết tật Nghệ An

Kết quả khảo sát cho thấy học sinh có tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng xã hội, tuy nhiên tỷ lệ không cao. Cụ thể, có 16,3% tham gia các hoạt động tổng dọn vệ sinh bảo vệ môi trường trong trung tâm; các hoạt động phát cơm, quà, bánh kẹo chiếm tỷ lệ khoảng 15,8%; lớp học về an toàn gia thông, an toàn đuối nước chiếm 15,3%; tham gia hoạt động cùng trao đổi với anh, chị sinh viên về cuộc sống và việc học chiếm 14,9%; tham gia các trò chơi dân gian chiếm 13%; tham gia văn nghệ, múa hát chiếm 12,6%... Điều này cho thấy tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người Khuyết tật Nghệ An đã có các chương trình giáo dục, hỗ trợ trẻ khuyết tật hình thành và nâng cao kỹ

năng xã hội thông qua các hoạt động rất cụ thể và thiết thực, gắn với đời sống thường ngày.

Thực tiễn cho thấy hoạt động hỗ trợ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật được thực hiện ngoài giờ học chính khóa trên lớp và gắn với các hoạt động trong đời sống hàng ngày của các em. Đối với học sinh ở nội trú thì giáo viên sẽ yêu cầu các em thực hành ngay tại nơi ở. Đồng thời, đã có sự linh hoạt khi vận động, kết nối với các nhóm sinh viên, học sinh của các trường đại học và trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn khi đến thực tế tại Trung tâm. “Có những đợt có các nhóm học sinh, sinh viên của các trường THPT, Đại học ở địa bàn thành phố Vinh đến trung tâm để giao lưu, tuyên truyền các kỹ năng, vui chơi cùng các em. Hiện tại, có nhóm học sinh một trường THPT trên địa bàn đang có lịch lên làm việc và dạy kỹ năng sống cho các em, nhóm tự tổ chức vào sáng chủ nhật, làm việc tầm 1 tiếng thôi, vừa giáo dục kỹ năng sống vừa vui chơi cùng với các em” (Trích PVS số 6, nam, 40 tuổi, thành phố Vinh, giáo viên tại Trung tâm).

Học sinh tại Trung tâm khi tham gia các hoạt động giáo dục nâng cao kỹ năng xã hội đã thể hiện sự hào hứng, thích thú. Thông qua các phỏng vấn sâu, các em chia sẻ như sau: “Em rất thích buổi tham gia các hoạt động phát cơm, quà, bánh kẹo tại Trung tâm. Bởi vì em cùng với các bạn được chơi những trò chơi để tranh nhau cùng nhận quà, được vui chơi giải trí cùng anh chị đại học, cùng thầy cô, cảm giác bản thân em bớt đi nhiều sự căng thẳng” (Trích PVS số 7, nữ, 16 tuổi, thành phố Vinh, học sinh tại Trung tâm).“Em rất thích các hoạt động dậy sớm quét dọn vệ sinh ở trung tâm vì em được cùng các bạn tự phân công nhau để hoàn thành tốt công việc được giao” (Trích PVS số 2, nữ, 16 tuổi, thành phố Vinh, học sinh tại Trung tâm).

Qua đây có thể thấy rằng học sinh tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người Khuyết tật Nghệ An đã được tham gia các hoạt động thực tiễn nâng cao kỹ năng xã hội và đã bước đầu nhận được sự hưởng ứng tham gia của các em.

Khó khăn khi tham gia hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội

Bên cạnh sự hào hứng tham gia hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội tại trung tâm, vẫn còn một số em được nhận thấy không tích cực tham gia. Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy các nguyên nhân cơ bản như sau:

Thứ nhất, học sinh khuyết tật cảm thấy mặc cảm, tự ti về bản thân. Một số học sinh khuyết tật trí tuệ cảm thấy khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động thường ngày, hạn chế khả năng giao tiếp và có tâm lý nhút nhát, lo ngại khi tham gia trong các nhóm đông người, vì vậy không tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội do Trung tâm tổ chức. “Em sợ không dám chơi với các anh chị, em sợ làm sai bị anh chị phạt. Em không biết cách chơi” (Trích PVS số 1, nữ, 7 tuổi, thành phố Vinh, học sinh tại Trung tâm).

Thứ hai, một số hoạt động xã hội chưa phù hợp với tình trạng khuyết tật của học sinh. Một số ý kiến cho rằng các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội được xây dựng chưa phù hợp với sở thích và mong muốn của các em, vì thế gây khó khăn trong quá trình tham gia. “Tại vì đã từng mổ não nên gặp một số vấn đề nhẹ về thị giác khiến thị giác yếu đi chính vì vậy nên việc tham gia vào các trò chơi dân gian là điều hơi khó khăn với em vì thị giác kém và tay phải bị co rút lại nên khó có thể tham gia chơi bình thường. Em cảm giác mất tự tin vì có thể mình sẽ làm gánh nặng của người khác” (Trích PVS số 4, nam, 15 tuổi, thành phố Vinh, học sinh tại Trung tâm).

Thứ ba, Trung tâm thiếu kinh phí để triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội cho học sinh khuyết tật ở ngoài cộng đồng. Đáng chú ý là trẻ khuyết tật chủ yếu tham gia các hoạt động do Trung tâm có thể tổ chức được trong điều kiện cho phép, và các em ít được tham gia các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội do các tổ chức xã hội khác hoặc cộng đồng tổ chức. “Trung tâm hiện tại còn khó khăn về kinh phí nên các hoạt động dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn chủ yếu là thực hiện trong trung tâm, thông qua các hoạt động sống hàng ngày. Còn các hoạt động bên ngoài Trung tâm thì chúng tôi vẫn chưa có điều kiện để triển khai thường xuyên” (Trích PVS số 6, nam, 40 tuổi, thành phố Vinh, giáo viên tại Trung tâm). Do đặc thù về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm là tổ chức hoạt động giáo dục về văn hóa và nghề nghiệp, bên cạnh đó phải đảm bảo an toàn cho các em và kinh phí hạn chế nên các hoạt động giáo dục tổ chức ngoài Trung tâm khó có thể triển khai thường xuyên. Điều này có thể được nhìn nhận là một trong những rào cản hạn chế việc nâng cao kỹ năng giao tiếp và khả năng hòa nhập cộng đồng của học sinh khuyết tật.

Trên cơ sở nghiên cứu một trường hợp điển hình là Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người Khuyết tật Nghệ An, kết quả cho thấy trẻ khuyết tật gặp nhiều rào cản trong giao tiếp xã hội, chính vì vậy các em có nhu cầu, mong muốn được rèn luyện nâng cao kỹ năng xã hội. Mặc dù Trung tâm đã triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội cho học sinh với nhiều hình thức khá phong phú, song mức độ tham gia của học sinh khuyết tật vẫn chưa cao do còn gặp nhiều khó khăn, rào cản liên quan đến tình trạng khuyết tật, tâm lý tự ti. Thêm vào đó, các hoạt động này chỉ được thực hiện trong phạm vi nội bộ Trung tâm, chưa được thực hiện ở ngoài cộng đồng do thiếu kinh phí thực hiện. Để nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng xã hội cho học sinh khuyết tật, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau: Thứ nhất, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về xây dựng nội dung và thiết kế, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội phù hợp với từng loại khuyết tật; Thứ hai, thực hiện mô hình Công tác xã hội nhóm đào tạo kỹ năng xã hội thông qua các kỹ thuật học tập hành vi và xã hội. Thứ ba, tăng cường công tác tham vấn tâm lý cho học sinh khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật trí tuệ, khuyến khích các em vượt qua mặc cảm cá nhân, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội; Thứ tư, phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với gia đình, mở các lớp tập huấn cho phụ huynh về phương pháp nâng cao kỹ năng xã hội đối với trẻ khuyết tật trong các hoạt động sống hàng ngày; Thứ năm, cần xây dựng chiến lược tăng cường sự kết nối với các tổ chức xã hội nhằm tạo điều kiện triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng xã hội cho học sinh khuyết tật được trải nghiệm ở cộng đồng.

 

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh - Tập 53, Số 2B, 04/2024
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ