Văn hóa dòng họ trong làng xã truyền thống xứ thanh: nghiên cứu trường hợp làng Hoằng Lộc thời trung đại
Dòng họ, chữ Hán là Tông tộc, biểu thị mối quan hệ gia đình và liên gia đình dựa trên cơ sở cùng chung huyết thống. Đã từ lâu, chúng ta có thành ngữ “trong họ ngoài làng” để chỉ mối quan hệ họ - làng trong sự tồn tại lâu dài của làng xã Việt Nam truyền thống. Văn hóa dòng họ là những giá trị thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm khảm của các thế hệ. Bài viết này bước đầu tìm hiểu về văn hóa dòng họ trong làng xã truyền thống xứ Thanh thông qua nghiên cứu trường hợp làng Hoằng Lộc (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thời trung đại. Từ nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn góp phần làm sáng tỏ những nét riêng của văn hóa làng xã xứ Thanh, trong diện mạo chung của văn hóa làng xã Việt Nam.
Theo nhà dân tộc học Trần Từ, tổ chức “Họ” không phải là cái “đại gia đình phụ quyền” của các tư tưởng cổ điển mà “Họ” có thể được xem là một dạng đặc biệt của “gia đình mở rộng”, mà tác dụng chính đối với các thành phần của nó (tức là các gia đình nhỏ hợp thành) là tạo ra một niềm cộng cảm dựa trên quan hệ huyết thống (Trần Từ, 1984, tr. 41). Dòng họ là một yếu tố trong đơn vị làng. Nhiều dòng họ thì thành làng, không có họ thì không có làng, đó là một điều hiển nhiên. Do vậy, mỗi dòng họ ngoài việc tạo nên và lưu truyền lại nét đẹp văn hóa của dòng họ mình còn có nhiệm vụ trao truyền lại các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa các vùng miền, văn hóa làng xã cho thế hệ sau. Văn hóa của các họ tộc vì thế là một bộ phận của văn hóa dân tộc có chiều sâu và rộng, riêng và chung hài hòa, phong phú, đa dạng. Trên phương diện đó, văn hóa các dòng họ trên vùng đất xứ Thanh đã góp phần tạo nên diện mạo văn hóa làng xã xứ Thanh trong lịch sử. Với cách thức tiếp cận nghiên cứu trường hợp, làng Hoằng Lộc trong nghiên cứu nay là xã Hoằng Lộc thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hoằng Lộc vốn có tên cổ là Kẻ Vụt, rồi trở thành trang Đường Bột vào thế kỉ X. Từ đó cho đến đầu thế kỉ XIX, vùng đất này là địa phận hai xã: Bột Thượng, Bột Hạ, sau này là Bột Thượng và Bột Thái. Đầu thế kỉ XIX, hai làng Bột Thượng và Bột Thái thuộc tổng Hành Vĩ, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, Thanh Hoa nội trấn (Vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, vùng đất Thanh Hóa và Ninh Bình được chia thành: Thanh Hoa nội trấn, tức tỉnh Thanh Hóa và Thanh Hoa ngoại trấn, tức tỉnh Ninh Bình sau này). Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) Thượng thư bộ Hộ là Hứa Đức làm bản tấu trình lên vua Minh Mệnh về việc sửa đổi một số tên tổng xã, thôn trong cả nước. Trong đó, Bột Thượng được đổi là xã Hoằng Đạo. Từ nửa cuối thế kỷ XIX, xuất hiện tên hai xã Hoằng Nghĩa - Bột Hưng vẫn trên cơ sở địa dư và thành phần cư dân của làng Hoằng Đạo, Bột Thái, nghĩa là hai xã đã tồn tại cạnh nhau dưới những tên gọi mới. Mặc dù được chia làm hai xã trong hệ thống hành chính Nhà nước quân chủ, thế nhưng trên thực tế, nơi đây vẫn là một khối cộng đồng cư dân đã tồn tại ổn định và bền vững từ lâu đời. Mọi hoạt động đều mang tính chất cộng đồng, các gia đình, dòng tộc vẫn quây quần trong cùng ngõ xóm. Cả hai xã đều thờ chung thần thành hoàng tại Bảng Môn Đình (Bùi Khắc Việt và Nguyễn Đức Nhuệ, 1996). Dưới thời quân chủ, tuy có lúc tồn tại hai xã có tên riêng nhưng mọi người vẫn thường gọi là làng Hoằng Bột hay Lưỡng Bột hoặc Nhị Bột.
Các dòng họ ở Hoằng Lộc dưới thời quân chủ
Theo thần phả, vào thế kỉ XI, trang Đường Bột chỉ có 4 dòng họ: Nguyễn, Bùi, Lê, Nguyễn. Thống kê ở Địa bạ cho biết các tộc danh sau: Nguyễn, Bùi, Lê, Đặng, Trần (何 中 府 弘 化 縣 行 偉 總 弘 道 渤 泰 貳 社 地 播 Hà Trung phủ, Hoằng Hóa huyện, Hành Vĩ tổng, Hoằng Đạo, Bột Thái nhị xã địa bạ (năm Minh Mệnh 15, 1834)). Tuy nhiên, ở Hoằng Lộc, mỗi tộc danh lại bao gồm nhiều dòng họ không cùng gốc. Do vậy, xác định chính xác số dòng họ tồn tại ở Hoằng Lộc vẫn là điều khó thực hiện. Theo gia phả dòng họ ông Nguyễn Điền, vào đầu thế kỷ XV, dòng họ có 4 người là hậu duệ của tướng quân Nguyên Thuyên (danh tướng dưới triều Trần Nhân Tông (1278- 1293)) từ xứ Bắc vào sinh cơ lập nghiệp ở Thanh Hóa, trong đó có người về Bột Thượng và gây dựng dòng họ Nguyễn ở đây. Dòng họ ông Nguyễn Huy Lịch có nguồn gốc từ Nguyễn Bặc, từng giữ chức Định Quốc công đời vua Đinh Tiên Hoàng, từ Ninh Bình về làng Bột, tính đến cuối thế kỉ XIX được 11 đời. Bước sang thế kỷ XVI, XVII thành phần cư dân ở Hoằng Lộc lại được bổ sung mà phần nhiều là những người có quan chức và học vấn cao. Khoảng cuối thế kỷ XVI, ông Nguyễn Cẩn, nguyên quán ở trại Ba Tiêu, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đến lập nghiệp ở Bột Thái. Sau khi thi đỗ Hoàng Giáp, khoa Diên Thành thứ 3 (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp, ông đã ra làm quan với nhà Mạc một thời gian ngắn, nhưng vì tình hình Bắc Triều phức tạp, chính sự rối ren, chiến tranh xảy ra liên miên, làm cho dân tình điêu đứng, nên ông từ bỏ nhà Mạc vào Tây Đô theo vua Lê Thế Tông (1573-1600) (Bùi Khắc Việt và Nguyễn Đức Nhuệ, 1996). Sau khi nhà ở xóm Chùa bị hỏa hoạn, ông chuyển sang xóm Chúa và gây dựng nên dòng họ Nguyễn ở đây. Vào khoảng năm 1583, dưới triều Lê trung hưng, ông Ngô Chính quê ở Hưng Yên đã theo ông Nguyễn Cẩn vào sinh cơ lập nghiệp ở xóm Lay, xã Bột Thái, đổi sang họ Nguyễn. Nhà thờ tại xóm Lay còn treo bức đại tự 吾 阮 家 祠 Ngô Nguyễn gia từ (Đền thờ gia tộc Ngô Nguyễn).
Định cư ở Hoằng Lộc sớm còn có dòng họ Trịnh. “Hành trạng kỷ” quan thượng thư Bùi Khắc Nhất cho biết “cụ Thượng Bùi có một người con gái là Bùi Thị Khuê, cháu ngoại Yên quận công Lại Thế Khanh. Khi mẹ là Lại Thị Sản mất, bà Khuê được ông ngoại đưa về nhà nuôi. Khi cháu lớn Yên quận công đưa vào Vương phủ làm Nội thị cung tần. Khi bà Khuê sinh được một người con trai là Trịnh Công Tựu được chúa Trịnh cho phép về lập nghiệp ở quê mẹ là làng Bột Thái và gây dựng nên dòng họ Trịnh ở đây” (裴 氏 家 譜 Bùi tộc gia phả, (n.d.), tr. 2). Vào thời Trịnh Tráng (1623-1657) có họ Nguyễn ở Bắc nhập cư vào làm nhà ở gần khu Văn chỉ của làng tại xóm Mẫu, nên gọi là Mẫu Tộc. Họ này sau đổi lại họ Nguyễn. Khoảng đầu đời Bảo Thái (1720), ông Hoàng Khắc Đốc quê ở Nghệ An ra sinh sống lập nghiệp ở làng Bột. Gia phả họ Hoàng cho biết: Trước kia ông ngoại của Hoàng Khắc Đốc là người làng Bột vào làm Hiến sát sứ Nghệ An và nhập cư ở đó. Khi ông mất, con gái ông ở lại quê chồng (Nghệ An), còn cho con trai của bà về quê ở để tạo đường đi lại (Bùi Khắc Việt và Nguyễn Đức Nhuệ, 1996). Họ Hoàng dần trở thành một trong những dòng họ lớn ở Hoằng Lộc. Theo gia phả họ Lê, cuối thời Lê trung hưng, ông Lê Phúc Khánh vốn là người Đình Cẩm, Phù Lưu, Bắc Ninh, đỗ Hương cống, làm Tri huyện huyện Hoằng Hóa, thấy Hoằng Lộc là đất hiếu khách, ông đã cư trú tại đây và gây dựng nên dòng họ Lê. Song song với quá trình nhập cư là quá trình chuyển cư của người dân Hoằng Lộc đến các vùng mới để làm ăn sinh sống như dòng họ Nguyễn ở Hoằng Tân, họ Bùi có một nhánh ở Quảng Xương, họ Nguyễn và họ Lê ở Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Nông Cống, Thạch Thanh, Triệu Sơn… Đặc biệt, Trong cuốn Đông Ngạc tập biên có chép đôi nét về nguồn gốc dân làng Đông Ngạc là người Hoằng Nghĩa. Nội dung trên được đăng trên tờ nhật báo Chính luận, in tại Sài Gòn số ra ngày 6/12/1966, mục “Nếp sống dân ta” khẳng định “làng Vẽ chỉ là hậu duệ của làng Hoằng Nghĩa mà thôi”.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh - Tập 53, Số 2B, 04/2024