SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm mẫu máu cuống rốn thu thập tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ 2021 – 2023

[28/06/2024 14:16]

Máu cuống rốn (MCR) là nguồn tế bào gốc giá trị cho y học tái tạo. Việc thu thập máu cuống rốn luôn có nguy cơ thể tích thấp và nhiễm nấm khuẩn, ảnh hưởng khả năng sử dụng sau này. Nghiên cứu được thực hiện bởi tác giả Tưởng Thị Vân Thùy - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và các cộng sự nhằm mô tả đặc điểm mẫu máu cuống rốn được thu thập tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và tìm hiểu mối liên quan của một số yếu tố mẹ, sơ sinh và sản khoa với mẫu MCR.

Máu cuống rốn (MCR) được xác định là nguồn cung cấp tế bào gốc (TBG) tạo máu thay thế điều trị cho người bệnh mắc các bệnh lý như ung thư máu, bệnh máu - miễn dịch di truyền, đặc biệt trong bối cảnh thiếu người hiến tặng thích hợp cùng hay không cùng huyết thống. Năm 1988, Gluckman và cộng sự đã lần đầu tiên điều trị thành công bệnh nhi mắc bệnh thiếu máu di truyền Fanconi với mẫu MCR của em gái ruột bệnh nhi. Tính an toàn và hiệu quả của ghép MCR được nghiên cứu và chứng minh rộng rãi trong suốt nhiều thập kỷ qua. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ghép MCR ở bệnh nhân có khối u ác tính về huyết học có một số ưuđiểm vượt trội hơn như tỷ lệ sống sót không bệnh cao hơn, tỷ lệ tái phát bệnh sau ghép thấp hơn, và tỷ lệ mảnh ghép chống vật chủ thấp hơn so với ghép nguồn TBG tạo máu từ tủy xương hay máu ngoại vi. Điều này cho thấy MCR là nguồn TBG tiềm năng ưu tiên cho những bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao. Ngoài ra, ghép MCR cũng có thể được thực hiện khi người cho và người nhận trùng khớp một phần, vì vậy làm tăng cơ hội để tìm người hiến phù hợp hơn. Tính đến nay, đã có hơn 160 ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng từ 55 quốc gia đăng ký mạng lưới Bone Marrow Donors Worldwide, với hơn 800.000 đơn vị MCR hiến tặng đang lưu trữ và sẵn sàng cung cấp điều trị.

Tuy nhiên, nhược điểm của việc ghép MCR là năng suất thu hoạch TBG không cao, được phản ánh qua thể tích MCR thu thập bị giới hạn hay tổng số tế bào có nhân trên mỗi đơn vị MCR. Việc sử dụng liều TBG dưới mức tối ưudẫn đến quá trình phục hồi huyết học bị chậm, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tăng tỷ lệ thất bại của mảnh ghép. Điều quan trọng là xác định các yếu tố mẹ, sơ sinh và sản khoa có ảnh hưởng trực tiếp tới lượng MCR thu thập được. Việc đánh giá ban đầu mẫu MCR ngay sau khi thu thập và trước xử lý có ý nghĩa tiên lượng đến kết quả xử lý mẫu TBG MCR, đồng thời cung cấp thông tin cho sản phụ về tình trạng của mẫu MCR được thu thập. Đặc biệt trong điều kiện thực tế khi ngày càng nhiều sản phụ có nhu cầu được thu thập, xử lý và lưu trữ MCR cho con như một bảo hiểm sinh học cho tương lai.

Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 434 mẫu máu cuống rốn thu thập theo yêu cầu từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2023 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có 434 mẫu máu cuống rốn (MCR) có đầy đủ thông tin về sản phụ, sơ sinh, sản khoa và kết quả thu thập trước xử lý được đưa vào nghiên cứu.

Tỷ lệ sơ sinh trai/gái được thu thập máu cuống rốn là 1,6. Thể tích trung bình máu cuống rốn là 85,7 ± 27,2ml. Xét nghiệm vi sinh ghi nhận 8/434 chiếm 1,8% mẫu máu cuống rốn có tình trạng (+). Nhóm máu cuống rốn (+) có thể tích trung bình thấp hơn nhóm (-) (69,3ml và 86,2ml với p < 0,01). Các yếu tố có liên quan tới thể tích máu cuống rốn thu thập thấp bao gồm có bệnh lý toàn thân mẹ, trọng lượng thai < 3000g, tuổi thai < 37 tuần và giới tính thai là nữ. Thể tích máu cuống rốn thấp có ý nghĩa làm tăng nguy cơ máu cuống rốn bị nhiễm khuẩn. Các yếu tố về bệnh lý sản khoa, người thu thập, hình thức sinh chưa thấy liên quan với thể tích máu cuống rốn thu thập thấp hay mẫu nhiễm tác nhân gây bệnh.

Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 176 Số 3 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ