SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành cho bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Bạch Mai

[28/06/2024 15:17]

Nghiên cứu bởi tác giả Phạm Quốc Đạt thuộc Bệnh viện Bạch Mai và các cộng sự nhằm đánh giá kết quả phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành ở nhóm bệnh nhân từ 75 tuổi trở lên, tại Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2018 - 2023.

Bệnh động mạch vành là một trong các nguyên nhân tử vong do tim mạch hàng đầu trên thế giới. Các phương pháp điều trị bao gồm điều trị nội khoa là nền tảng, và tái tưới máu bằng can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật giúp cải thiện triệu chứng, cũng như sống còn trên các bệnh nhân hẹp mạch vành có ý nghĩa. Trong khi can thiệp nội mạch thể hiện ưu thế trong các trường hợp hội chứng động mạch vành cấp, thì phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành đóng vai trò trong các trường hợp tổn thương vành mạn, đặc biệt trên các bệnh nhân tổn thương nặng, nhiều thân mạch vành. Can thiệp mạch vành qua da ít xâm lấn hơn nên thường được chỉ định cho các bệnh nhân thể trạng yếu, nhiều bệnh nền kèm theo, nguy cơ phẫu thuật cao. Một trong các đối tượng nguy cơ cao đó là các bệnh nhân cao tuổi, thường có nhiều bệnh lý nền và có sự suy giảm chức năng của các cơ quan theo tuổi. Trong phẫu thuật tim nói chung và phẫu thuật mạch vành nói riêng thì mốc 75 tuổi thường được sử dụng để phân loại những bệnh nhân cao tuổi với sự gia tăng các yếu tố nguy cơ.

Thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang, có theo dõi dọc đối với tất cả các bệnh nhân được phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành có tuổi từ 75 tuổi trở lên, tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2018 đến năm 2023. Các phép tính thống kê được thực hiện trên phần mềm SPSS 20.0.

Cỡ mẫu gồm 45 bệnh nhân với tuổi trung bình 77,1 ± 2,2. Nam giới chiếm 73,3%. Các bệnh nền kèm theo gồm tăng huyết áp chiếm 66,7%, đái tháo đường chiếm 35,5%, bệnh mạch máu ngoại vi chiếm 46,7%. Phân suất tống máu (LVEF) trung bình là 52,8 ± 13,1%, trong đó 15,6% có LVEF dưới 30%. Tổn thương mạch vành hẹp 3 thân chiếm 91,1%; hẹp 1 - 2 thân chiếm 8,9%; tổn thương hẹp thân chung > 50% chiếm 17,6%. Tổn thương van tim kèm theo cần phẫu thuật chiếm 26,6%. Số cầu nối trung bình trên 1 bệnh nhân là 2,8 ± 0,8. Thời gian thở máy, nằm hồi sức trung bình lần lượt là 56,1 ± 61,2 giờ, và 102,3 ± 112,1 giờ. Tỉ lệ tử vong sớm trong 30 ngày sau mổ là 4,4% (2 trường hợp). Thời gian theo dõi trung bình là 36,1 tháng. Tỉ lệ tử vong muộn là 2,3%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành trên bệnh nhân cao tuổi là phương pháp điều trị khả thi cho bệnh động mạch vành mạn tính và cho kết quả sớm cũng như trung hạn khả quan.

tTạp chí Nghiên cứu Y học, Tập 176 Số 3 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ