Một số đề xuất phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt ở Việt Nam
Cùng với sự phát triển của dân số, số trẻ khuyết tật cũng có xu hướng tăng. Nhu cầu trẻ khuyết tật cần được tiếp cận giáo dục có chất lượng ở khắp các địa phương trong cả nước, cùng với xu thế phát triển giáo dục chuyên biệt trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tỉ lệ đến trường của trẻ khuyết tật còn thấp, mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt chưa phát triển rộng khắp, tỉ lệ giáo viên được đào tạo chuyên ngành thấp và cơ sở vật chất phục vu giảng dạy còn hạn chế. Vì vậy, cần thiết phải phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt ở Việt Nam, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật trên mọi miền của Tổ quốc trên cơ sở tận dụng nguồn lực sẵn có trong hệ thống giáo dục đào tạo, huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia thực hiện giáo dục người khuyết tật.
Giáo dục hòa nhập là xu hướng chung hiện nay trên toàn thế giới, tạo điều kiện tối đa cho người khuyết tật được học tập và hòa nhập cộng đồng. Giáo dục hòa nhập nhằm sử dụng nguồn lực sẵn có trong hệ thống giáo dục đào tạo, huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia thực hiện giáo dục người khuyết tật; đặc biệt giáo dục hòa nhập phát huy được tối đa sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường. Trẻ được học tập ở nơi trẻ sinh ra và lớn lên, được cùng học, cùng vui chơi với các bạn cùng trang lứa, nhận được sự chăm sóc và giáo dục từ chính những người sinh ra trẻ và những người ruột thịt trong gia đình trẻ. Trong bối cảnh nhu cầu xu thế phát triển giáo dục chuyên biệt trong nước và quốc tế đều đang phát triển, tỉ lệ đến trường của trẻ khuyết tật còn thấp, mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt chưa phát triển rộng khắp, tỉ lệ giáo viên được đào tạo chuyên ngành thấp và cơ sở vật chất phục vu giảng dạy còn hạn chế. Vì vậy, cần thiết phải phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt ở Việt Nam. Với mục tiêu cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục trẻ khuyết tật, từ đó hình thành hệ thống các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật đáp ứng được yêu cầu của tiếp cận giáo dục của trẻ khuyết tật trong độ tuổi đến trường; Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với trẻ khuyết tật giữa các vùng, miền trong cả nước; Thiết lập được một hệ thống các cơ sở giáo dục đặc biệt có chất lượng, hoạt động hiệu quả; Có quy mô và cơ cấu hợp lí, đáp ứng nhu cầu giáo dục trẻ khuyết tật của cả nước và từng địa phương.
Giáo dục dành cho trẻ khuyết tật tại Việt Nam đang được thực hiện dưới nhiều mô hình khác nhau: giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập, giáo dục chuyên biệt, trong đó giáo dục hòa nhập được coi là định hướng căn bản trong giáo dục trẻ khuyết tật. Số lượng trẻ khuyết tật ngày càng gia tăng theo tỉ lệ tăng dân số, đa dạng về dạng tật và mức độ cần hỗ trợ, giáo dục; đa dạng về phân bố ở các vùng miền, đặc điểm kinh tế xã hội, phức tạp về điều kiện địa lí. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, mức sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, các cam kết thực hiện của Liên Hiệp quốc về quyền được giáo dục, giáo dục có chất lượng;
Quan điểm chỉ đạo của Nhà nước “Không ai bị bỏ lại phía sau” là cơ hội, điều kiện để trẻ khuyết tật được đảm bảo quyền được giáo dục của mình. Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất quan điểm, nguyên tắc và ba phương án phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trên cơ sở phân tích xu hướng của giáo dục chuyên biệt và dự báo số trẻ khuyết tật trong tương lai. Mỗi phương án đề xuất đều có trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập làm trụ cột về chuyên môn, vừa đáp ứng nhu cầu của số đông trẻ khuyết tật đang học tập tại cộng đồng, vừa thực hiện những nhiệm vụ mang tính hỗ trợ nguồn lực và chuyên môn cho giáo dục đặc biệt.
Một số khuyến nghị được trình bài trong nghiên cứu:
a. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo
Xây dựng các phương án quy hoạch mạng lưới giáo dục trẻ khuyết tật trên toàn quốc và địa bàn các tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy chất lượng công tác giáo dục trẻ khuyết tật, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi trẻ khuyết tật có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ giáo dục có chất lượng.
Ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật hoạt động theo mô hình dịch vụ chất lượng cao;
Có các chính sách liên kết, hợp tác, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật; có chính sách, lộ trình thực hiện và hướng đi phù hợp, không gây xáo trộn ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giáo dục chuyên biệt hiện đang tồn tại.
Ban hành các tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật.
Xây dựng và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ tronggiáo dục trẻ khuyết tật, đặc biệt là chế độ dành cho giáo viên tham gia vào công tác giáo dục trẻ khuyết tật tại trường phổ thông, bổ sung quy định bắt buộc về sự tham gia giáo dục của trẻ khuyết tật.
Xây dựng, mở rộng hơn về cơ sở vật chất và các phương tiện hỗ trợ dành cho trẻ khuyết tật ở các cấp học.
b. Đối với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
Bố trí quỹ đất, ưu tiên thành lập các các cơ sở giáo dục chuyên biệt và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiếp cận giáo dục của trẻ khuyết tật.
c. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông
Đảm bảo tiếp nhận tất cả các trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt có nguyện vọng đến trường.
Đảm bảo các điều kiện tiếp cận đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh có các dạng và mức độ khuyết tật khác nhau (đường đi, nhà vệ sinh, kí hiệu chỉ dẫn… phù hợp). Tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ quản lí và 100% giáo viên đứng lớp có trẻ khuyết tật được tập huấn chuyên sâu về giáo dục cho đối tượng học sinh đặc biệt trong lớp học.
d. Đối với các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cơ sở giáo dục chuyên biệt
Từng bước tự nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật bằng việc nâng cao chất lượng giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất…
Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo hành chính, chất lượng chuyên môn đối với cơ quan có thẩm quyền nhằm đề xuất, tháo gỡ những vấn đề khó khăn còn tồn tại.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tập 20, Số 1, năm 2024.