ChatGPT được xem là một công cụ hữu ích mang lại nhiều ý tưởng trong việc xây dựng các dự án thực tế có tính khả thi cao. ChatGPT còn giúp người học tìm hiểu, lấy dữ liệu cần thiết và phác thảo phương án hoàn thành sản phẩm của dự án theo phương pháp dạy học theo dự án.
Trong các xu hướng dạy học hiện đại, dạy học theo dự án (project-based learning) là một trong những phương pháp dạy học tiên tiến, lấy người học làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Dạy học theo dự án (PBL) ở Việt Nam đã từng bước đi vào các cơ sở giáo dục ví dụ như giáo dục STEM ở trường phổ thông. Khó khăn lớn nhất của cách dạy học này là xây dựng các dự án có tính thực tiễn cũng như tính khả thi trong việc hoàn thành sản phẩm của dự án. Điều này làm cho phương pháp này còn được đưa vào thực hiện một cách dè dặt và hầu như chỉ mang tính thử nghiệm ở nhiều trường đại học. Để giải quyết vấn đề này, ChatGPT được xem là một công cụ hữu ích có thể mang lại nhiều ý tưởng trong việc xây dựng các dự án thực tế có tính khả thi cao.
Dạy học theo dự án là một mô hình dạy học lấy học sinh làm trung tâm, thông qua những nhiệm vụ mang tính mở, khuyến khích học sinh tìm tòi, hiện thực hóa những kiến thức đã học trong quá trình thực hiện và tạo ra những sản phẩm của chính mình, phát huy tính tích cực, tự giác hơn trong học tập. Không giống như mô hình dạy học truyền thống, PBL là một hình thức dạy học hay phương pháp dạy học phức hợp, trong đó dưới sự hướng dẫn của giáo viên, người học tiếp thu kiến thức và hình thành kĩ năng thông qua việc giải quyết một vấn đề của thế giới thực, bám sát chương trình học, có sự kết hợp giữa lí thuyết với thực hành và tạo ra các sản phẩm cụ thể.
Đặc trưng của dạy học theo dự án Dạy học theo dự án có những đặc trưng sau:
1/ Người học là trung tâm của dạy học theo dự án
2/ Dạy học thông qua các hoạt động thực tiễn của dự án
3/ Hoạt động học tập phong phú và đa dạng
4/ Kết hợp hoạt động nhóm với hoạt động cá nhân
5/ Quan tâm đến sản phẩm của dự án.
Ưu điểm và hạn chế của dạy học theo dự án
Dạy học theo dự án có những ưu điểm và hạn chế sau:
Ưu điểm: 1) Việc học diễn ra tự nhiên, nội dung học tập trở nên có ý nghĩa hơn, dễ đề cập đến các khái niệm sâu; 2) Sự học là nhu cầu giải quyết vấn đề thực tiễn nên kích thích sự chủ động và tích cực trong học tập, tạo môi trường thuận lợi cho người học rèn luyện và phát triển; 3) Phát triển các kĩ năng mềm của người học như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng quản lí thời gian, tư duy phản biện; 4) Chương trình học linh hoạt.
Hạn chế: 1) Tốn nhiều thời gian, phương tiện kĩ thuật, tài chính; 2) Người dạy khó lập kế hoạch và quản lí việc học của người học do không có sẵn sách giáo khoa hay giáo án; 3) Kiến thức nền của người học không đồng đều nên khó đánh giá mức độ tiến bộ của từng cá nhân. 4) Người học không sẵn sàng với cách học mới.
Vai trò của ChatGPT trong dạy học theo dự án
Được phát triển bởi OpenAI và được giới thiệu ra công chúng vào tháng 11 năm 2022, ChatGPT đã trở nên phổ biến với tốc độ ấn tượng với một triệu người dùng trong năm ngày, trong khi Facebook phải mất 300 ngày để đạt được con số tương tự. Đây là một mô hình học máy dựa trên kiến trúc GPT-3.5, có khả năng tạo ra văn bản tự nhiên và trả lời câu hỏi dựa trên ngữ cảnh đã huấn luyện theo các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) của trí tuệ nhân tạo (AI) và được huấn luyện từ bộ dữ liệu huấn luyện đồ sộ với hàng trăm tỉ tham số. ChatGPT có thể hiểu được đầu vào do con người cung cấp và tạo ra một văn bản phản hồi rất giống với ngôn ngữ được con người sử dụng. Nó khiến con người gần như không thể phân biệt được đâu là câu trả lời của con người và đâu là văn bản do AI tạo ra. Từ khi ra đời, ChatGPT đã tạo ra sự thay đổi to lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả giáo dục. Phiên bản kế nhiệm GPT-4 cũng đã xuất hiện và bắt đầu bộc lộ nhiều tính năng mới, đáng tin cậy hơn, sáng tạo hơn và có thể xử lí các hướng dẫn mang nhiều sắc thái hơn hơn GPT-3.5 (OpenAI, 2023). Với tiềm năng và sức mạnh to lớn đã được kiểm chứng, khi triển khai PBL, ChatGPT phù hợp để hỗ trợ người dạy và học theo phương pháp PBL ở các bước sau:
1/ Đưa ra ý tưởng sản phẩm của dự án cho giảng viên hoặc sinh viên, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy phê phán để có nhiều ý tưởng tốt hơn
2/ Cung cấp thông tin bổ sung và giải đáp thắc mắc liên quan đến dự án, mở rộng kiến thức và hiểu biết cho người học một cách nhanh chóng và đầy đủ
3/ Tương tác với sinh viên thông minh, giúp họ vượt qua những thách thức trong quá trình học dựa trên dự án
4/ Đưa ra gợi ý cho các giai đoạn hoàn thành sản phẩm của dự án.
Dạy học theo dự án là phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm. Dự án có thể xuất phát từ một ý tưởng của giảng viên, người học hoặc một nguồn thứ ba. Nghiên cứu này gợi ý một trong những cách sử dụng ChatGPT vào trong quá trình dạy học. Cụ thể, ChatGPT giúp đưa ra hàng loạt ý tưởng cho các dự án, giúp người học tìm hiểu, lấy dữ liệu cần thiết và phác thảo phương án hoàn thành sản phẩm của dự án theo phương pháp PBL. Kết quả đạt được khá tích cực và đáp ứng được nhu cầu tăng trải nghiệm học tập cho người học. Nghiên cứu còn chưa cho thấy được mức độ tương tự hay khác biệt trong hiểu biết các kiến thức liên quan đến dự án với những kiến thức ngoài dự án. Để so sánh, người dạy cần thực hiện kiểm định T-test dựa trên kết quả những bài trắc nghiệm khách quan được thiết kế tỉ mỉ.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, Số 5, năm 2024