Đa dạng hệ thực vật bậc cao ở đảo Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang
Nghiên cứu do các tác giả Hồ Thị Phi Yến, Đặng Minh Quân - Trường Đại học Cần Thơ, các tác giả Trần Tú Trinh, Đặng Văn Sơn, Trương Bá Vương - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tác giả Nguyễn Thị Kim Thanh - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện nhằm cung cấp dữ liệu về thành phần loài thực vật bậc cao ở đảo Lại Sơn, làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng, quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên thực vật tại đây.
Đảo Lại Sơn là một trong những đảo lớn, có diện tích 1.087,05 ha, thuộc huyện đảo Kiên Hải tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm thành phố Rạch Giá khoảng 65 km (Ủy ban Nhân dân huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang 2022). Do nằm trong vịnh Thái Lan, trong vùng cận xích đạo, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm và mưa nhiều cùng với địa hình chủ yếu là đồi và núi nên đảo Lại Sơn có thành phần loài thực vật rất đa dạng và phong phú. Hệ thực vật ở đây có vai trò rất quan trọng đối với người dân sống trên đảo, chúng không chỉ cung cấp dưỡng khí, điều hòa khí hậu, hạn chế các tác động từ thiên tai, ngăn chặn xói lở, duy trì nguồn nước ngầm trên đảo mà còn cung cấp nguồn sống hàng ngày của người dân như rau ăn, gỗ, dược liệu, cây cảnh và đồ dùng thủ công mỹ nghệ...Tuy nhiên, hệ thực vật và hệ sinh thái rừng ở đảo Lại Sơn hiện nay đang chịu tác động rất lớn từ sự phát triển thiếu kiểm soát của các loại hình dịch vụ du lịch. Rừng ở nhiều nơi b ịkhai thác để xây nhà nghỉ, nhiều loài thực vật bị khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí của khách du lịch. Chính vì vậy, diện tích đất rừng trên đảo ngày càng bị thu hẹp, nguồn nước ngọt tự nhiên ngày càng giảm, nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng cao và đe dọa đến sức khỏe người dân sống trên đảo. Hệ thực vật ở đây ngày càng bị suy thoái, nhiều loài quí hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong khi sự tái sinh của chúng trong môi trường tự nhiên lại rất chậm và khó có khảnăng phục hồi. Mặc dù đảo Lại Sơn là một đ ảo khá lớn, có nhiều người dân sinh sống và du lịch rất phát triển, nhưng mới chỉ có công trình nghiên cứu về tài nguyên cây làm thuốc được công bố (Quan & Phuc, 2022), còn nhiều loài thực vật có các giá trị sử dụng khác vẫn chưa được nghiên cứu. Do đó, việc điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng hệ thực vật hiện có ở đảo Lại Sơn là rất cần thiết, từ đó có thể cung cấp cho người dân địa phương những tri thức hữu ích về việc nhận diện, khai thác sử dụng và bảo tồn có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên thực vật trên đảo.
Các phương pháp được sử dụng bao gồm PRA; điều tra thực địa; so sánh hình thái để phân loại và tra cứu các tài liệu chuyên ngành về thực vật. Kết quả đã xác định được Hệ thực vật bậc cao ở đảo Lại Sơn rất đa dạng với 663 loài thuộc 435 chi của 129 họ trong 5 ngành. Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) đa dạng nhất với số taxon ở mỗi bậc đều chiếm trên 86%. Các loài cây thu được thuộc 8 dạng sống và phân bố trong 6 sinh cảnh, nhưng chủ yếu là sinh cảnh rừng tự nhiên trên núi đá và vườn nhà. Nguồn tài nguyên thực vật cũng đã được thống kê với 652 loài cây có giá trị sử dụng chiếm 98,34% số loài và 46 loài cây có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” (2007) và Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Hệ thực vật ở đảo này có mối quan hệ gần gũi với hệ thực vật nhiệt đới châu Á.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 60, Số chuyên đề: Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long (2024) (nthang)