SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng rối loạn giấc ngủ và một số yếu tố liên quan ở sinh viên khối ngành sức khỏe trường Đại học Đại Nam.

[07/07/2024 21:09]

Tác giả Ngô Thị Tâm - trường Đại học Đại Nam thực hiện với mục tiêu nhằm mô tả thực trạng rối loạn giấc ngủ và một số yếu tố liên quan ở sinh viên khối ngành sức khỏe trường đại học Đại Nam năm 2022.

Ảnh minh họa.

Thiếu ngủ và chất lượng giấc ngủ kém là những vấn đề thường gặp ở sinh viên đại học, những người phải chống chọi với áp lực học tập cao hàng ngày, đặc biệt là nhóm sinh viên khối ngành sức khỏe. Trong khi đó, những sinh viên bị thiếu ngủ hoặc gặp các vấn đề rối loạn giấc ngủ khác nhau có thể sẽ phải đối mặt với các nguy cơ như suy giảm khả năng học tập, mức độ căng thẳng cao dẫn tới tiến độ học tập bị ảnh hưởng và chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Do đó, các nghiên cứu liên quan tới giấc ngủ của sinh viên nói chung và sinh viên khối Sức khỏe nói riêng ngày càng được quan tâm. Việc tìm hiểu thực trạng giấc ngủ của sinh viên cũng như những yếu tố ảnh hưởng tới rối loạn giấc ngủ trong nhóm đối tượng này là cần thiết để có những giải pháp can thiệp, hỗ trợ nâng cao chất lượng giấc ngủ của họ, giúp họ đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho sinh hoạt và học tập.

Phương pháp nghiên cứu sử dụng nghiên cứu có thiết kế mô tả cắt ngang khảo sát online trên 412 sinh viên khối ngành sức khỏe trường Đại học Đại Nam qua ứng dụng Google biểu mẫu. Tình trạng giấc ngủ được đo bằng thang đo AIS-5. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 10/2022 – tháng 4/2023 tại Trường Đại học Đại Nam, phố Xốm, Hà Đông, Hà Nội. Các số liệu nghiên cứu thu được qua Google form được xuất ra file Excel để làm sạch và phân tích bằng Stata 14.0. Các thống kê mô tả và thống kê phân tích được sử dụng.

Kết quả cho thấy: Hơn 1/3 số sinh viên gặp rối loạn giấc ngủ theo thang đo AIS-5 (34,2%). Đa số sinh viên không gặp vấn đề với thời gian đi vào giấc ngủ buổi đêm (63,6%), tỉnh giấc trong đêm (65,5%) và tỉnh giấc sớm hơn mong muốn (62,9%). Không có sinh viên nào gặp tình trạng tỉnh giấc trong đêm nghiêm trọng. Tuy nhiên, có một tỉ lệ cao sinh viên cảm thấy tổng thời gian ngủ thiếu rõ rệt (13,4%) hoặc nghiêm trọng (4,4%). Những sinh viên đã có người yêu có rối loạn giấc ngủ (40,6%) nhiều hơn đáng kể so với nhóm độc thân (32,1%) hoặc đã kết hôn (0%). Tỷ lệ rối loạn giấc ngủ cao nhất ở nhóm sinh viên Y (41,4%), tiếp theo là sinh viên dược (31,3%) và thấp nhất ở sinh viên điều dưỡng (26,7%). Những sinh viên có thói quen xem video ngắn trước khi ngủ và có rối loạn tâm lý cũng có tỷ lệ rối loạn giấc ngủ cao hơn đáng kể.

Qua nghiên cứu, tỷ lệ rối loạn giấc ngủ ở sinh viên khối Khoa học Sức khỏe trường Đại học Đại Nam tương đối cao. Rối loạn giấc ngủ có liên quan tới tình trạng quan hệ, ngành học, thói quen xem video ngắn trước khi ngủ và rối loạn tâm lý. Cần có các giải pháp giáo dục sức khỏe để sinh viên Khoa học Sức khỏe có thói quen ngủ lành mạnh và tâm lý ổn định.

Tạp chí Y học Cộng đồng, Tập 65, Số 4 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ