Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân viêm da dầu mức độ vừa và nặng
Các tác giả Đỗ Thị Thu Hiền - Bệnh viện Da liễu Trung ương, Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội; Lê Văn Trung - Bệnh viện Da liễu Trung ương và Nguyễn Trần Hải Ánh - Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện nghiên cứu với mục tiêu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân viêm da dầu mức độ vừa và nặng.
Bệnh nhân viêm da dầu là bệnh lý viêm da mạn tính thường gặp (Ảnh minh họa).
Viêm da dầu (VDD - seborrheic dermatitis) là bệnh lý viêm da mạn tính thường gặp, chiếm từ 1-3% dân số trưởng thành. Bệnh đặc trưng bởi các tổn thương đỏ da, bong vảy tập trung ở những vùng da nhiều tuyến bã như đầu, mặt, vùng trước xương ức, vùng sau bả vai, ... đôi khi biểu hiện ở nách và sinh dục. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường khởi phát vào tuổi dậy thì, hay gặp nhất từ 20-40 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Ở Việt Nam, VDD chiếm tỷ lệ khoảng 1,51% số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TW.
Viêm da dầu thường đi kèm các bệnh da khác như trứng cá đỏ, viêm bờ mi hoặc kích ứng mắt, trứng cá thông thường, viêm nang lông do Malassezia, lang ben. Bệnh thường nặng lên ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như: HIV/AIDS, sau ghép tạng, viêm gan C, viêm tụy mạn tính và các bệnh lý ác tính khác.
Ngoài ra, stress tâm lý vừa làm bệnh nặng hơn vừa là yếu tố khởi phát bệnh. Căn nguyên gây VDD đến nay vẫn chưa rõ ràng. Căn nguyên bệnh có liên quan đến vai trò của hormone và tuyến bã, cơ chế miễn dịch, bệnh lý thần kinh, và đặc biệt là hoạt động của nấm Malassezia. Bệnh diễn biến dai dẳng, thỉnh thoảng có các đợt bùng phát. Bệnh không nguy hiểm nhưng thường ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân. Chẩn đoán xác định VDD chủ yếu dựa vào lâm sàng: dát đỏ ranh giới rõ hoặc không rõ, trên có vảy da bóng mỡ màu vàng. Vị trí hay gặp ở vùng da tiết bã như rãnh mũi má, lông mày, mi, vùng xương ức, vùng liên bả. Cận lâm sàng có thể thấy sự có mặt của nấm Malassezia. VDD cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như vảy nến, viêm da tiếp xúc, vảy phấn hồng, lang ben, trứng cá, trứng cá đỏ, ...
Các tác giả thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang 62 bệnh nhân viêm da dầu người lớn mức độ vừa và nặng được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viên Da liễu Trung Ương từ 08/2020 - 10/2021.
Kết quả cho thấy: Bệnh viêm da dầu gặp ở nam giới 80,7% cao hơn ở nữ giới 19,3%. Bệnh thường gặp ở những người da dầu (69,3%). Lứa tuổi từ 20-49 mắc bệnh nhiều nhất (chiếm 80,7%). Tuổi khởi phát bệnh trung bình là 32,1 ± 12,6, thời gian mắc bệnh trung bình là 3,9 ± 2,8 năm. Tất cả bệnh nhân viêm da dầu người lớn mức độ vừa và nặng đều có tổn thương cơ bản là dát đỏ và vảy da. Triệu chứng cơ năng chủ yếu là ngứa (100%) và rát bỏng (87,1%). Tổn thương nằm rải rác, có ranh giới không rõ hay gặp hơn. Vị trí tổn thương hay gặp nhất ở vùng mặt (75,8%) và vùng đầu (71%). Bệnh viêm da dầu hay kèm theo trứng cá thông thường (21%). Tỷ lệ bệnh nhân viêm da dầu mức độ vừa và nặng có số lượng Malassezia từ 20 TB/VT trở lên là 19,4%. Mật độ Malassezia ở bệnh nhân VDD mức độ nặng cao hơn mức độ vừa nhưng không có ý nghĩa thống kê.
Bệnh viêm da dầu là bệnh da mạn tính, thường gặp ở bệnh nhân nam, da dầu. Tổn thương cơ bản đặc trưng là dát đỏ và vảy da, thường rải rác và ranh giới không rõ với da lành. Triệu chứng cơ năng có ngứa và rát bỏng. Vị trí tổn thương chủ yếu ở vùng đầu, mặt. Mật độ Malassezia ở bệnh nhân VDD mức độ nặng cao hơn mức độ vừa (40% với 12,8%) nhưng không có ý nghĩa thống kê.
Tạp chí Y học Cộng đồng, Tập 65, Số 4 (2024)