SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm người bệnh phẫu thuật viêm ruột thừa tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên năm 2023

[07/07/2024 21:37]

Các tác giả Nguyễn Thị Lâm - Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên, Trần Hữu Vinh - Đại học Thăng Long, Phạm Việt Hà - Bệnh viện ĐK Quốc tế Vinmec Hải Phòng thực hiện nghiên cứu với mục tiêu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng người bệnh và hiệu quả sau phẫu thuật viêm ruột thừa tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bình, Thái Nguyên năm 2023.

Ảnh minh họa.

Viêm ruột thừa (VRT) là một cấp cứu ngoại khoa tiêu hóa thường gặp nhất, nếu không được can thiệp kịp thời trước 24 giờ thường gây ra các biến chứng như viêm phúc mạc dẫn đến tình trạng bệnh nhân nặng nề ảnh hưởng đến quá trình điều trị và chăm sóc. Bệnh xuất hiện với nhiều triệu chứng đa dạng như: Đau bụng vùng hố chậu phải hoặc khắp bụng, sốt, nôn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa... những triệu chứng thay đổi tùy từng đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai hay người già do vậy nhiều khi bệnh được chẩn đoán muộn gây biến chứng không đáng có cho người bệnh. Tại Việt Nam, với tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nên lượng bệnh nhân mắc viêm ruột thừa được chẩn đoán và xử trí ngay tại các trung tâm Y tế tuyến huyện cũng ngày một gia tăng, giúp giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và rút ngắn thời gian can thiệp. Do vậy, tỷ lệ biến chứng của bệnh ngày một ít. Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên hoạt động từ năm 2019, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý nội, ngoại khoa trong ngày trung bình khoảng 300 – 500 bệnh nhân. Theo thống kê của Bệnh viện, năm 2021- 2022 tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm ruột thừa có mổ tại viện khoảng hơn 100 người. Với chủ trương phát triển nhân lực và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nên công tác điều trị và chăm sóc điều dưỡng luôn được Bệnh viện chú trọng phát triển.

Các nhà nghiên cứu mô tả cắt ngang 112 bệnh nhân thực hiện phẫu thuật viêm ruột thừa cấp tại bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên từ tháng 3 – tháng 11/2023. Bộ công cụ thu thập số liệu gồm 3 phần: Phần A thu thập thông tin về nhân khẩu, đặc điểm chung. Phần B thông tin tiền sử, bệnh sử, đặc điểm phẫu thuật. Phần C thông tin đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng sau phẫu thuật. Nghiên cứu thực hiện dựa trên phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0, mô tả các tỷ lệ %, trung bình.

Kết quả cho thấy, toàn bộ bệnh nhân phẫu thuật nội soi với thời gian phẫu thuật trung bình là 48,12 ±10,5 phút, số giờ điều trị trước phẩu thuật trung bình là 3,7 ±3,5 giờ và số ngày điều trị sau phẫu thuật trung bình là 6,8 ±1,1 (5-12) ngày. 14,3% bệnh nhân vào viện sau 24h từ khi xuất hiện triệu chứng đau bụng. Tỷ lệ bệnh nhân có biến chứng vỡ RT viêm và viêm PM là 3,6%. Ngày thứ nhất sau phẫu thuật, 19,6% bệnh nhân có mạch nhanh, 20,5% có tăng huyết áp, 67,9% vết mổ có thấm máu, 98,2% bí trung tiện, 83,0% chướng bụng, 100% hạn chế vận động, 88,4% lo lắng, 63,4% mất ngủ. Các triệu chứng này đều giảm và cải thiện rõ ở các ngày tiếp theo.

Qua nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân vào viện sau 24h từ khi xuất hiện triệu chứng đau bụng là 14,3%. Tỷ lệ bệnh nhân có biến chứng vỡ RT viêm và viêm PM là 3,6%. Ngày thứ nhất sau PT tỷ lệ một số triệu chứng lam sàng của người bệnh có tỷ lệ cao. Các triệu chứng này đều giảm và cải thiện rõ ở các ngày tiếp theo sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật cần lưu ý hoạt động dinh dưỡng, chăm sóc giảm đau và tăng cường vận động cho người bệnh.

Tạp chí Y học Cộng đồng, Tập 65, Số 4 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ