Nghiên cứu đánh giá các đặc tính sinh học của gel Ibuprofen
Ibuprofen là một hoạt chất chống viêm không steroid (NSAID) điển hình, thường được sửdụng để điều trị đau, viêm và sốt từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, việc sử dụng ibuprofen thông qua đường uống trong thời gian dài đối với các bệnh mãn tính như viêm khớp có thể gây ra một số tác dụng phụkhông mong muốn ở mức độ nghiêm trọng, trong đó có loét dạ dày. Do đó, công thức gel bôi ngoài da chứa 5% ibuprofen đã được nghiên cứu và phát triển để giải quyết vấn đề trên.
Ảnh minh họa: Internet
Ibuprofen là một trong những hoạt chất chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng phổ biến trong điều trị giảm đau (Bushra & Aslam 2010; Brainfarma Industria Química e Farmacêutica S/A,2022; Varrassi, Pergolizzi, Dowling, & Paladini, 2020). Tuy nhiên, việc sử dụng ibuprofen thông qua đường uống có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ như loét dạ dày tá tràng, đặc biệt khi được sử dụng cho các bệnh mãn tính như viêm khớp. Tuy nhiên, hiện nay ibuprofen hầu như chỉ được sản xuất dưới dạng viên nén. Các sản phẩm gel ibuprofen hiện có trên thị trường là các mặt hàng rất khó tìm mua ở Việt Nam. Do đó, công thức gel bôi ngoài da chứa 5% ibuprofen. Nghiên cứu này tập trung đánh giá các đặc tính sinh học của gel ibuprofen như khả năng gây độc đối với nguyên bào sợi chuột L-929 và nguyên bào sợi người hF, khả năng dàn trải, khả năng phóng thích hoạt chất ibuprofen ra khỏi giá thể gel và khả năng thấm của hoạt chất qua da chuột nhắt trắng. Trong đó, dựa trên các nguồn thông tin sẵn có, khả năng gây độc của gel ibuprofen cũng như từng thành phần cấu thành nên gel đối với các dòng tế bào động vật vẫn chưa được đề cập đến trong bất kỳ công bố khoa học nào.
Ibuprofen (IBU), một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), được phát hiện vào năm 1960 (Marzoli & ctg.,2019). Trong một nghiên cứu, hiệu quả của công thức gel ibuprofen 5% tại chỗ đã được chứng minh là có hiệu quả tương tự như viên nén ibuprofen 400mg (1,200mg mỗi ngày) trong điều trị bệnh nhân bị thương mô mềm cấp tính trong khi tránh được các tác dụng phụ trên dạ dày (Whitefield, O’Kane, &Anderson,2002).
Theo Rasool, Abu-Gharbieh, Fahmy, Saad, và Khan (2010) đã nghiên cứu các công thức gel ibuprofen-chitosanthẩm thấu qua da mới đã được phát triển thành công bằng cách sử dụng các chất tăng cường độ thẩm thấu khác nhau và cả propanol như một chất tăng cường độ nhớt. Các công thức chứa 5% menthol và 20% propylene glycol cho thấy tác dụng giảm đau vượt trội so với sản phẩm tham khảo, Ibutop® ở chuột. Tuy nhiên, các công thức không cho thấy đặc tính chống viêm (Rasool & ctg.,2010).
Kashyap, Das, và Ahmed (2020) phát triển công thức và đánh giá gel bôi ngoài da của ibuprofen. Các gel Carbopol của ibuprofen được cho là đồng nhất với khả năng tải thuốc tốt. Độ pH của tất cả các công thức gel được tìm thấy trong phạm vi pH trung tính, tương thích với da và độ nhớt của tất cả các công thức được cho là khả thi để phân phối thuốc tại chỗ. Bên cạnh đó, không có sự tương tác giữa thuốc và Carbopol trong hỗn hợp vật lý của chúng. Carbopol có thể được sử dụng hiệu quả như polyme để điều chế gel bôi ngoài da. Công thức bào chế có chứa 0.5% w/w Carbopol 940 có thể được áp dụng hiệu quả đối với các gel bôi ngoài da giảm đau có chứa hoạt chất ibuprofen (Kashyap & ctg.,2020; Khan &Jiabi,1998).
Wade, Crawford, Young, Corson, và Brown (2019) đã thực hiện khảo sát để xác định xem liệu levomenthol 3% w/w được thêm vào ibuprofen gel (5% w/w) có cải thiện hiệu quả của nó so với ibuprofen gel một mình hoặc gel diclofenac (1.16%) để điều trị chấn thương mô mềm hay không. Kết quả thu được thờigian trung bình để giảm đau đáng kể là 20 phút đối với gel ibuprofen/levomenthol và diclofenac nhưng 25 phút đối với gel ibuprofen. Sau 02 giờ, nhiều bệnh nhân hơn đáng kể được điều trị bằng gel ibuprofen/levomenthol báo cáo cảm giác mát lạnh (45.8%) so với gel diclofenac (16.4%) hoặc ibuprofen (14.7%), và cả gel ibuprofen/levomenthol và diclofenac đều mang lại hiệu quả giảm đau hiệu quả hơn đáng kể. Rất ít tác dụng phụ và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến thuốc nghiên cứu được ghi nhận. Do đó, gel ibuprofen/levomenthol và diclofenac đều cungcấp khả năng giảm đau vượt trội so với gel ibuprofen và với thời gian ngắn hơn(Wade & ctg.,2019).
Hiện nay các sản phẩm ibuprofen dạng gel chưa phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Chỉ có một sản phẩm thương mại Deep Relief Gel chứa ibuprofen và L-menthol tại Việt Nam và một vài sản phẩm gel ibuprofen có mặt trên thị trường nhưng chủ yếu do các nước như Úc, Anh hay Hoa Kỳ sản xuất. Tại Việt Nam, sử dụng sản phẩm ibuprofen cho các bệnh mãn tính chủ yếu ở dạng đường uống. Điều này gây nhiều tác dụngphụ đến hệ tiêu hóa như viêm loét dạ dày. Đồng thời, quy trình sản xuất ibuprofen chưa được công bố về thành phần cũng như cách thức bào chế loại sản phẩm này.Vì vậy, với các tiềm năng của ibuprofen cả về các ưu điểm hấp thu của nó ở dạng gel và nhu cầu sử dụng gel ibuprofen tại Việt Nam thì nghiên cứu này rất cần thiết để xây dựng công thức bào chế và đánh giá đặc tính gel làm tiền đề cho sản xuất thử nghiệm gel ibuprofen.
Đỉnh hấp thụ cực đại của các dung dịch ibuprofen đã được xác định tại bước sóng 222nm thuộc vùng quang phổ tử ngoại (200 -400nm). Qua đó, đường chuẩn định lượng nồng độ dung dịch ibuprofen tương ứng đã được đề xuất và xây dựng với hệ số tương quan R2= 0.999. Phương pháp này cho phép định lượng ibuprofen nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Gel ibuprofen được cung cấp không có khả năng gây độc đối với nguyên bào sợi chuột L-929 và nguyên bào sợi người hF, đây là đặc tính chỉ tiêu mới, lần đầu tiên được công bố. Ngoài ra, gel có độ dàn trải đồng đều, khả năng phóng thích hoạt chất ra khỏi chế phẩm đạt hơn 90% trong 05 giờ và có khả năng thẩm thấu qua da chuột. Để kết quả của đề tài có thể được ứng dụng trong thực tiễn, một số nội dung nghiên cứu sau đây nên tiếp tục được thực hiện: Nghiên cứu đánh giá khả năng thẩm thấu hoạt chất ibuprofen qua da người; Nghiên cứu thử nghiệm mức độ kích ứng da của chế phẩm đã bào chế được bằng phương pháp áp bì (patch test); Nghiên cứu đánh giá độ ổn định của chế phẩm sau khi bào chế 12, 24 và 36 tháng.
Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP.HCM, Số 19/2024