SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng đào tạo kĩ năng xanh trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam

[14/07/2024 10:44]

Tăng trưởng xanh được xác định là chiến lược quốc gia quan trọng của Việt Nam, cần một thế hệ nhân lực có trình độ, đáp ứng yêu cầu xanh hoá nền kinh tế. Trong nguồn cung nhân lực đó, giáo dục đại học đóng vai trò thiết yếu nhằm đào tạo nguồn lao động với các kĩ năng xanh và sự hiểu biết đầy đủ về mối liên kết giữa bảo vệ môi trường, sinh thái trong các ngành nghề được đào tạo và sự phát triển kinh tế bền vững.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thế giới đang bước vào quá trình chuyển đổi xanh hoá nền kinh tế. Tăng trưởng xanh ưu tiên việc đạt được mục tiêu công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Để phục vụ cho nền kinh tế xanh, giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong đào tạo một lực lượng lao động có kĩ năng xanh, đáp ứng nhu cầu việc làm xanh của thị trường lao động. Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là một quá trình biến đổi năng động, ảnh hưởng tới số lượng, bản chất công việc và kĩ năng cần thiết ở các lĩnh vực và ngành nghề.

Trong quá trình chuyển đổi “xanh hóa” nền kinh tế, các hoạt động kinh tế xanh đã tạo ra việc làm xanh. EC định nghĩa rằng: “Việc làm xanh bao gồm các loại việc làm ở “các ngành công nghiệp sinh thái”, trong đó, các công việc xanh vì bản chất của sản phẩm hoặc dịch vụ là xanh và ở các ngành “chuyển đổi”. Trong đó, các công việc trở nên xanh hơn vì các sản phẩm và dịch vụ được thích ứng để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của Ủy ban Châu Âu”. Như vậy, việc làm xanh gồm những công việc trong các ngành kinh tế truyền thống như chế biến, chế tạo và xây dựng, hoặc trong các ngành kinh tế xanh mới nổi như năng lượng tái tạo… sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm góp phần bảo tồn hoặc khôi phục môi trường.

Bài viết trình bày kết quả dựa trên phân tích thông tin thứ cấp với nghiên cứu tổng quan tài liệu và thông tin sơ cấp với phương pháp nghiên cứu định tính. Theo đó, nghiên cứu tổng quan tài liệu cung cấp các thông tin chung về định hướng đào tạo kĩ năng xanh và các chương trình đào tạo kĩ năng xanh ở các trường đại học của Việt Nam. Trong khi đó, nghiên cứu định tính thu thập thông tin từ phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với giảng viên và sinh viên đang theo học ở các trường đại học của Việt Nam ở Trà Vinh, Cần Thơ và Hà Nội. Các dữ liệu định tính cho biết cách hiểu của giảng viên về kĩ năng xanh, cách thức đào tạo kĩ năng xanh và các đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo kĩ năng xanh trong thời gian tới. Các phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm được triển khai trong khoảng 60 phút được ghi âm trên cơ sở đồng ý và tự nguyên tham gia của người cung cấp thông tin. Để đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin, các phỏng vấn và thảo luận nhóm được mã hoá với các mã số cho từng đối tượng tham gia cung cấp thông tin. Các phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm được gỡ băng, mã hoá và phân tích trên phần mềm Nvivo 12. Ba danh mục mã hoá (pattern codes) được sử dụng để mã hoá các tệp biên bản phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm gồm: 1) Cách hiểu của giảng viên về kĩ năng xanh; 2) Cách thức đào tạo kĩ năng xanh trong giáo dục đại học; 3) Đề xuất thúc đẩy đào tạo kĩ năng xanh trong giáo dục đại học. Để đảm bảo độ tin cậy và chính xác của các thông tin thu thập, các biên bản phỏng vấn được gửi lại cho người cung cấp thông tin để người cung cấp thông tin chỉnh sửa và bổ sung các thông tin đã trao đổi.

Trong các ngành nghề đào tạo khác nhau, kĩ năng xanh được nhìn nhận từ các góc nhìn đa đạng mang tính chất đặc trưng của lĩnh vực đào tạo nhưng tựu chung là những kĩ năng hướng tới bảo vệ và tái tạo môi trường một cách bền vững. Đào tạo kĩ năng xanh ở bậc đại học đã được triển khai từ việc thiết kế chương trình đào tạo tới tổ chức nghiên cứu và giảng dạy, xây dựng môi trường đào tạo với sự tham gia của các bên liên quan.

Để thúc đẩy hơn nữa đào tạo kĩ năng xanh hiệu quả trong các cơ sở giáo dục đại học, cần có những hoạt động tích cực và linh hoạt trong giảng dạy và nghiên cứu, tác động đến lãnh đạo các trường đại học, giảng viên và sinh viên. Tổng hợp từ thực tế triển khai đào tạo kĩ năng xanh của các cơ sở đào tạo và từ khuyến nghị của những giảng viên và sinh viên, bài viết đề xuất một số khuyến nghị sau:

- Xây dựng và ban hành chính sách thúc đẩy đào tạo kĩ năng xanh ở bậc Đại học nhằm đảm bảo sinh viên có đầy đủ kiến thức và kĩ năng xanh ở các ngành nghề đào tạo, đáp ứng chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Trường đại học có chính sách quy định và hướng dẫn tích hợp kĩ năng xanh vào chương trình đào tạo, chính sách bồi dưỡng phát triển chuyên môn trong đào tạo kĩ năng xanh... Đảm bảo rằng, kĩ năng xanh được tích hợp một cách cụ thể vào chương trình đào tạo của ngành hoặc môn học. Đi xa hơn, giảng viên ở các trường đại học đề xuất việc thành lập các bộ môn hay ngành chuyên về đào tạo kĩ năng xanh để phối kết hợp các chuyên ngành kĩ thuật với nhau trong mảng “xanh”.

- Bồi dưỡng phát triển chuyên môn cho giảng viên thông qua các hội thảo, khoá đào tạo hoặc hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo kĩ năng xanh. Các trường cần tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo dành cho giảng viên để nâng cao kiến thức, kĩ năng xanh. Điều này giúp giảng viên cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy mới. Ngoài ra, các trường cần xây dựng mạng lưới chuyên gia ở từng chuyên ngành nhằm tạo cơ hội hữu ích cho giảng viên cập nhật các kĩ năng xanh phù hợp với chuyên ngành của họ. Điều quan trọng là tạo cơ hội tự học, tự bồi dưỡng phát triển chuyên môn trong lĩnh vực đào tạo kĩ năng xanh cho giảng viên. Trường đại học nên tạo động lực và khuyến khích giảng viên chủ động tìm kiếm khóa tập huấn đào tạo trong mảng môi trường xanh. Trường đại học cần có chính sách khuyến khích và yêu cầu các giảng viên có khoảng thời gian đi thực tế cho mỗi năm học (khoảng 04 đến 06 tuần) ở các công ti, doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Điều này giúp các giảng viên nắm được thông tin thực tế và điều chỉnh chương trình đào tạo cho đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt những yêu cầu về kiến thức và kĩ năng xanh trong các cơ hội việc làm ở lĩnh vực ngành nghề đào tạo.

- Đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị đầy đủ để phát triển các mô hình đào tạo kiến thức xanh, kĩ năng xanh trong một số ngành. Chẳng hạn như ngành Công nghệ môi trường xanh, ngành Năng lượng..., cần xây dựng mô hình mô phỏng quy trình vận hành để giảng dạy trong các môn học về kĩ năng xanh cho sinh viên dễ tiếp cận và áp dụng trên thực tế.

- Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, công ti hay các tổ chức để đẩy mạnh đào tạo kĩ năng xanh, cụ thể như: 1) Tăng cường cơ hội tiếp xúc thực tế liên quan đến ngành công nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào các dự án thực tế và buổi thực hành liên quan đến kĩ năng xanh ở các doanh nghiệp/công ti; 2) Hợp tác với các tổ chức môi trường và bảo vệ môi trường để cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

- Phát triển các diễn đàn chia sẻ và học hỏi để cung cấp thông tin về kiến thức và kĩ năng xanh, chia sẻ các mô hình đào tạo kĩ năng xanh thành công và tốt giữa các trường đại học. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức và tư duy về sự phát triển bền vững cho giảng viên và sinh viên. “Để thúc đẩy đào tạo kĩ năng xanh hiệu quả trong ngành, tôi đề xuất nhà trường/phòng ban, tổ chức thành lập các mạng lưới chia sẻ và học học về chương trình đào tạo kĩ năng xanh; thúc đẩy mạnh các phong trào về giáo dục kĩ năng xanh trong cán bộ và sinh viên, từ đó nâng cao được ý thức trong việc giáo dục và học tập kĩ năng xanh. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền về sự cần thiết của kĩ năng xanh trong hiện tại và tương lai” (Giảng viên ngành Kĩ thuật môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội).

- Hỗ trợ tài chính để triển khai các nghiên cứu về đào tạo kĩ năng xanh và phát triển bền vững nhằm tạo động lực cho giảng viên, sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện với môi trường trong ngành nghề đào tạo của mình. Các nghiên cứu này cung cấp thông tin đầu vào cho các môn học nhằm đảm bảo đào tạo kĩ năng xanh trong các môn chuyên ngành. Nhìn chung, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đề xuất trên là thiết yếu và cần sự phối hợp của các bên liên quan gồm các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp/công ti, tổ chức, chính quyền địa phương và cộng đồng để đào tạo kĩ năng xanh được triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Bài viết cung cấp bức tranh khái quát về thực trạng đào tạo kĩ năng xanh trong giáo dục đại học của Việt Nam. Theo đó, kĩ năng xanh được các giảng viên hiểu khá toàn diện, bao gồm các kĩ năng chung trong việc áp dụng các kiến thức, thông tin về bảo vệ và tái tạo môi trường, các kĩ năng chuyên môn trong từng ngành nghề để giảm thiểu tác động tới môi trường. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam ngày càng chú ý hơn tới các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới làm xanh hóa cơ sở vật chất, nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường. Thực tế, các trường đại học chú trọng tới mở các ngành đào tạo liên quan tới ngành nghề xanh; tích hợp nội dung liên quan tới yếu tố xanh vào chương trình đào tạo; khuyến khích đa dạng hoá các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy hướng tới môi trường và sự phát triển bền vững ở tất cả các ngành nghề đào tạo trong trường. Các hoạt động này giúp trang bị kiến thức và kĩ năng xanh cho sinh viên một cách hiệu quả. Có được các kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của nhà trường, sự tâm huyết của giảng viên, sự linh hoạt của chương trình đào tạo, cũng như sự sẵn có của một số nguồn tài trợ và học bổng. Tuy nhiên, việc triển khai chưa đồng bộ và rộng khắp, mới chỉ bó hẹp trong khuôn khổ của các dự án, chương trình, sáng kiến, hoặc hoạt động “tự thân” của một số trường đại học. Để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả đào tạo kĩ năng xanh trong các cơ sở giáo dục đại học, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như xây dựng và ban hành chính sách thúc đẩy đào tạo kĩ năng xanh trong các cơ sở giáo dục đại học, bồi dưỡng phát triển chuyên môn cho giảng viên, phối hợp với các doanh nghiệp và tổ chức để thực hiện đào tạo kĩ năng xanh hiệu quả, xây dựng môi trường xanh trong các cơ sở giáo dục đại học, phát triển các diễn đàn chia sẻ và học hỏi để cung cấp thông tin về kiến thức và kĩ năng xanh, thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực xanh và phát triển bền vững.

Với sứ mệnh quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có trình độ phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia, các cơ sở giáo dục đại học cần hướng tới xây dựng hệ sinh thái các trường đại học xanh với sự tham gia của các bên liên quan. Đây là một hướng đi đúng và cần thiết cho sự phát triển bền vững nền giáo dục đại học của Việt Nam.

Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam (tập 20, Số 03, năm 2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ