Hiệu quả cải thiện thị lực sau đặt thể thủy tinh nhân tạo Panoptix
Các tác giả Trần Tất Thắng, Phan Trọng Dũng - Bệnh viện Mắt Nghệ An thực hiện nghiên cứu với mục tiêu nhằm đánh giá hiệu quả cải thiện thị lực sau đặt thể thủy tinh nhân tạo Panoptix.
Bệnh đục thể thủy tinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Khi tuổi thọ con người tăng lên thì số lượng người bệnh đục thể thủy tinh cũng tăng lên.
Phương pháp điều trị chính hiện nay là phẫu thuật lấy thể thủy tinh đục và thay thể thủy tinh nhân tạo (TTTNT). Để thích ứng với loại phẫu thuật này, thể thủy tinh nhân tạo không ngừng được cải tiến. Từ những loại thể thủy tinh nhân tạo đa tiêu cự tập trung cho hai tiêu cự nhìn gần và nhìn xa, phát triển thành thể thủy tinh nhân tạo ba tiêu cự, giúp đem lại thị lực trung gian tốt mà không ảnh hưởng đến thị lực nhìn xa và nhìn gần. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của thể thủy tinh nhân tạo ba tiêu cự cho thấy thể thủy tinh nhân tạo ba tiêu cự cho kết quả thị lực tốt ở các khoảng cách xa, gần và trung gian.
Các tác giả tiến hành nghiên cứu mô tả, tiến cứu trên 35 mắt của bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật Phaco đặt thể thủy tinh nhân tạo Pannoptix và đồng ý tham gia nghiên cứu tại Bệnh viện Mắt Nghệ An từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022. Các đối tượng trong nghiên cứu có độ loạn thị giác mạc trước mổ trung bình là 0,45 ± 0,25 (điốp), trong đó mắt có độ loạn thị cao nhất là 0,89 điốp và mắt có độ loạn thị thấp nhất là 0 điốp.
Kết quả: Có sự khác biệt có ý nghĩa thông kê (với p < 0,05) về: Thị lực nhìn xa chưa chỉnh kính và sau chỉnh kính tối đa ở các thời điểm 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng sau phẫu thuật có sự cải thiện rõ ràng; Thị lực trung gian chưa chỉnh kính và sau chỉnh kính tối đa tại các thời điểm nghiên cứu đều có sự cải thiện so với thời điểm trước phẫu thuật; Kết quả thị lực nhìn gần chưa chỉnh kính và sau chỉnh kính tối đa cho thấy tại tất cả các thời điểm khám lại sau phẫu thuật so với thời điểm trước phẫu thuật đều có sự cải thiện; Ở các thời điểm sau phẫu thuật 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng có sự giảm nhãn áp trung bình so với trước phẫu thuật. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (với p > 0,05) về: Thị lực nhìn xa sau chỉnh kính giữa 1 tháng và 3 tháng sau phẫu thuật; thị lực gần 1 tháng và 3 tháng sau phẫu thuật; nhãn áp trung bình từ sau 1 tuần đến 1 tháng, 3 tháng.
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 524 Số 1A (2023)