SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số yếu tố liên quan với bệnh sâu răng ở học sinh 6 tuổi tại Hà Nội

[16/07/2024 14:00]

Các tác giả Hà Ngọc Chiều - Trường Đại học Y Hà Nội và Nguyễn Mạnh Cường - Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng thực hiện nghiên cứu với mục tiêu nhằm đánh giá một số yếu tố liên quan với bệnh sâu răng của học sinh 6 tuổi tại Hà Nội.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe răng miệng là điều cần thiết cho sức khỏe nói chung và chất lượng cuộc sống nói riêng. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh răng miệng trong xã hội vẫn rất phổ biến, trong đó hay gặp nhất là bệnh sâu răng.

Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh sâu răng ở trẻ em đang ở mức rất cao. Theo nghiên cứu của Lưu Văn Tường (2019) tại Hà Nội, tỷ lệ sâu răng ở trẻ 3 tuổi là 78,6%. Kết quả điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc năm 2019 cho thấy tỷ lệ sâu răng sữaở trẻ 6-8 tuổi là 86,4%; tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn là 20,9%; chỉ số sâu mất trám ở răng sữa và răng vĩnh viễn lần lượt là 6,21 và 0,482. Sâu răng là bệnh nhiễm khuẩn do nhiều yếu tố gây nên trong đó phải kể đến mối liên quan giữa yếu tố bệnh căn – lớp lắng vi khuẩn và các yếu tố sinh học ảnh hưởng tới sự hình thành sang thương bề mặt răng, ngoài ra còn có ảnh hưởng của các yếu tố thuộc về hành vi, kinh tế -xã hội, thu nhập, kiến thức...

Các tác giả thực hiện ghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện ở 191 học sinh 6 tuổi (lớp 1), đang học tại Trường Tiểu học Khương Thượng - Đống Đa - Hà Nội trong thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 6/2023. Số liệu được kiểm tra chặt chẽ, nhập bằng phần mềm Epi data 3.1, phân tích trên phần mềm SPSS 20.0 theo phương pháp thống kê y học và số liệu được phân tích và trình bày dưới dạng tần số, tỷ lệ %, trung bình và độ lệch chuẩn.

Kết quả cho thấy với 191 học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh nam là 56,0% (107 học sinh) cao hơn tỷ lệ học sinh nữ là 44,0% (84 học sinh). Tỷ lệ sâu răng sữa là 71,2% và tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn của trẻ là 23,6%. Lỗ sâu ở ngà nhận thấy khi khám có nguy cơ mắc sâu răng cao gấp 9,38 lần (OR; 95%CI: 9,38; 1,18-426,45); Đốm trắng đục trên mặt răng phát hiện được khi khám có nguy cơ mắc sâu răng cao gấp 10,72 lần (OR; 95%CI: 10,72;  1,51-463,66); Mảng bám nhiều thấy được trên răng sẽ làm tăng nguy cơ mắc sâu răng lên gấp 4,72 (OR; 95%CI: 4,72; 1,05-21,13); Răng có rãnh trũng sâu làm nguy cơ mắc sâu răng  lên gấp 14,93 lần (OR; 95%CI: 14,93; 2,20-633,41); Không đánh răng với kem có fluor hàng ngày sẽ làm nguy cơ sâu răng tăng 8,88 lần (OR; 95%CI: 8,88; 1,12-70,13); Không dùng nước súc miệng fluor hàng ngày sẽ làm nguy cơ sâu răng tăng 3,32 lần (OR; 95%CI: 3,32; 0,94-11,65). Như vậy có rất nhiều yếu tố liên quan đến bệnh sâu răng ở trẻ em.

Tạp chí Y học Việt Nam -Tập 540, Số 2 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ