Đánh giá kết quả can thiệp nội mạch ở bệnh nhân thiếu máu chi dưới trầm trọng
Tác giả chịu trách nhiệm chính Nguyễn Mạnh Chiến thuộc Bệnh viện Tim Hà Nội và các cộng sự thuộc bệnh viện như bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu nhằm đánh giá kết quả can thiệp nội mạch ở bệnh nhân thiếu máu chi dưới trầm trọng.
Ảnh minh họa
Thiếu máu chi dưới trầm trọng (TMCDTT) là giai đoạn muộn của bệnh động mạch chi dưới mạn tính (BĐMCDMT), có biểu hiện là đau khi nghỉ, có thể hoại tử và mất tổ chức. Điều trị TMCDTT ngoài việc thay đổi lối sống, điều chỉnh các yếu tố nguy cơ, sử dụng các thuốc nhằm giảm sự phát triển, sự bất ổn của mảng vữa xơ, tăng cường tuần hoàn vi mạch thì tái thông động mạch bị hẹp, tắc bằng phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch vẫn là mục tiêu điều trị cơ bản. Từ những năm 1980, đã hình thành và phát triển phương pháp điều trị tái thông động mạch bị hẹp, tắc bằng can thiệp nội mạch, đây là hướng tiếp cận mới với nhiều ưu điểm như: thủ thuật ít xâm lấn, thời gian điều trị ngắn, hồi phục nhanh, hiệu quả lâu dài, tương đương với phẫu thuật, có thể tiến hành trên các bệnh nhân (BN) cao tuổi và có nhiều bệnh phối hợp. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ cao, sự phát triển của các dụng cụ can thiệp đã giúp tăng tỷ lệ thành công của thủ thuật, giảm tỷ lệ tái hẹp sau can thiệp.
Nghiên cứu can thiệp lâm sàng không nhóm đối chứng. Đánh giá kết quả điều trị sau 1, 3, 6, 12 tháng ở 119 bệnh nhân thiếu máu chi dưới trầm trọng, nhập viện trong giai đoạn từ tháng 01/2018-03/2023, được can thiệp nội mạch tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Tim Hà Nội.
Kết quả cho thấy tỷ lệ tai biến, biến chứng chung là 4,2%. Mức độ thành công về kỹ thuật là 88,8%; về lâm sàng là 89,5%; về huyết động là 78,3%. Sau can thiệp 12 tháng, phần lớn số bệnh nhân được đánh giá có giai đoạn Rutherford chủ yếu từ 1-3. Tỷ lệ liền vết loét/hoại tử sau 1 tháng là 3,1%; sau 12 tháng là 74,6%. Thời gian liền vết loét trung bình là 4,9 ± 2,7 tháng. Sau can thiệp 12 tháng có 42/119 bệnh nhân bị tái hẹp sau can thiệp (35,3%), có 46/119 bệnh nhân bị tái tắc sau can thiệp (38,7%), có 26/119 bệnh nhân có chỉ định tái can thiệp sau can thiệp (21,8%).
Qua nghiên cứu, các tác giả cho rằng kết quả điều trị can thiệp nội mạch ở bệnh nhân thiếu máu chi dưới trầm trọng có kết quả tốt về kĩ thuật, về lâm sàng, về huyết động và tỉ lệ liền vết loét/hoại tử cao.
Tạp chí Y học Việt Nam -Tập 540, Số 2 (2024)