SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả sớm phẫu thuật vỡ tà tràng do chấn thương

[16/07/2024 15:37]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Quang Huy, Hồ Đặng Đăng Khoa, Trần Văn Sóng, Phạm Thanh Trung thuộc Bệnh viện 115, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiên cứu với mục tiêu nhận xét kết quả phẫu thuật vỡ tá tràng.

Ảnh minh họa

Tổn thương tá tràng là bệnh lý ít gặp trong chấn thương bụng kín, chiếm khoảng 3-5%. Tuy nhiên, theo các báo cáo trong và ngoài nước, do tình hình tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên như hiện nay thì số trường hợp chấn thương bụng kín nói chung và tổn thương tá tràng nói riêng đang có chiều hướng gia tăng, với tỷ lệ tử vong và biến chứng cao. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh đặc biệt là khâu xử trí ban đầu còn gặp nhiều khó khăn. Tá tràng nằm sau phúc mạc, vắt ngang cột sống nên lực làm vỡ tá tràng phải rất lớn, vì vậy tổn thương tá tràng thường đi kèm với tổn thương các tạng khác trong ổ bụng. Chính triệu chứng của các tổn thương đi kèm tại bụng hoặc ngoài bụng làm che lấp triệu chứng của tổn thương tá tràng như viêm phúc mạc, chảy máu ổ bụng, chấn thương sọ não... ngay cả khi tổn thương tá tràng đơn độc có khi cũng phải mất nhiều thời gian để dịch tá tràng chảy vào ổ bụng gây viêm phúc mạc thì triệu chứng mới rõ ràng. Với những lý do trên khiến cho tổn thương tá tràng thường chỉ được phát hiện trong lúc mổ, thậm chí có thể bỏ sót tổn thương trong mổ.

Nghiên cứu tiến hành hồi cứu tất cả bệnh nhân vỡ tá tràng được điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Nhân dân 115 từ tháng 01/2019 đến 9/2023. Các số liệu thu thập được xử lý theo phần mềm SPSS 20.

Kết quả cho thấy có 16 bệnh nhân gồm 13 nam và 3 nữ, tuổi trung bình 47 (thay đổi từ 25 đến 88). Có 11 trường hợp do tai nạn giao thông và 5 trường hợp tai nạn lao động. Chụp cắt lớp vi tính giúp phát hiện tụ máu thành tá tràng (18,8%), vỡ tá tràng (6,3%), khí tự do ổ bụng và khí sau phúc mạc (81,3%), dịch tự do ổ bụng và dịch sau phúc mạc 81,3%. Tổn thương D1 12,5%, D2 62,5%, D3 12,5%, D4 6,3%, D3 và D4 có 1 trường hợp. Tổn thương độ I (0%), độ II (75%), độ III (12,5%), độ IV (6,3%), độ V (6,3%). 68,8% được khâu chỗ vỡ tá tràng, 12,5% cắt đoạn tá tràng, nối kiểu Roux, 6,3% khâu chỗ vỡ kèm đắp patch, 6,3% phẫu thuật cắt khối tá tụy. 93,8% được giải áp tá tràng. 50% biến chứng sau mổ: sốc nhiễm trùng nhiễm độc 25%, nhiễm trùng vết mổ 18,8%, bục miệng nối 6,3%. Thời gian nằm viện sau mổ trung bình là 10 ± 6,77 ngày. Tỉ lệ tử vong là 31,3%.

Chấn thương tá tràng nên được nghi ngờ đến ở bệnh nhân chấn thương bụng kín với biểu hiện đau bụng thượng vị, nôn ói và khuyến cáo cần chụp cắt lớp ví tính. Trước một trường hợp vỡ tá tràng phức tạp đòi hỏi xác định những yếu tố như: mức độ tổn thương, tổn thương mật tụy đi kèm và các tổn thương khác trong ổ bụng.

Đối với những trường hợp chấn thương chỉ gây tụ máu dưới thanh mạc, tụ máu dưới niêm mạc hoặc rách thanh mạc, chưa gây thủng thì xử trí chỉ cần khâu thanh mạc bị rách hoặc lấy bỏ máu tụy nhưng không được làm thủng tá tràng. Khâu lỗ vỡ tá tràng < ½ đường kính kèm mở thông giảm áp bằng phương pháp 3 ống. Lỗ vỡ tá tràng > ½ đường kính thì khâu hoặc cắt đoạn, kèm đắp quai hỗng tràng (patch) kiểu Roux-en-Y che chỗ khâu tá tràng. Vỡ nát khung tá tràng thì cắt khối tá tụy.

Tạp chí Y học Việt Nam -Tập 540, Số 2 (2024)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài