SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng kém khoáng hóa men răng hàm răng cửa của học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội

[18/07/2024 09:47]

Nghiên cứu do tác giả Phan Thị Bích Hạnh thuộc Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với các cộng sự thuộc Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bệnh viện E thực hiện nghiên cứu với mục tiêu đánh giá thực trạng kém khoáng hoá men răng hàm răng cửa của học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội.

Ảnh minh họa

Kém khoáng răng cối - răng cửa MIH (Molar - Incisor Hypomineralization) được định nghĩa là sự kém khoáng hoá có nguồn gốc hệ thống và ảnh hưởng đến ít nhất một răng hàm lớn thứ nhất, có hoặc không ảnh hưởng đến răng cửa vĩnh viễn. Tình trạng này liên quan đến sự gián đoạn trong hoạt động của nguyên bào tạo men tại giai đoạn chuyển tiếp và hoàn thiện men. Trên lâm sàng, bên cạnh vấn đề về thẩm mỹ khiếm khuyết này gây ra tình trạng nhạy cảm, dẫn đến hạn chế vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân, tạo điều kiện cho sự hình thành màng sinh học và phát triển các tổn thương sâu răng, vỡ men răng thậm chí là mất răng ở trẻ. Do đó, việc đánh giá sớm tình trạng này sẽ góp phần đưa ra kế hoạch can thiệp phù hợp nhằm cải thiện thẩm mỹ và chức năng ăn nhai cho trẻ.

Trên thế giới, tình trạng MIH đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu, cụ thể trong thập kỷ qua, số lượng các nghiên cứu về tỷ lệ mắc MIH ở các nước hoặc khu vực đã tăng lên đáng kể và các nghiên cứu này đã sử dụng các tiêu chí dịch tễ học và chẩn đoán của học viện răng trẻ em châu Âu EAPD. Hai nghiên cứu hệ thống và phân tích tổng hợp gần đây cho thấy tỷ lệ trung bình mắc MIH là 13,1% (11,8 - 14,5%) và 14,2% (8,1 - 21,1%).4,5 Hiệp hội răng trẻ em châu Âu EAPD sử dụng bảng kiểm của Ghanin 2015 trong việc chuẩn hoá tỉ lệ MIH trong cộng đồng.6Đây là công cụ tích hợp giữa tiêu chuẩn của EDPA và chỉ số sửa đổi về khiếm khuyết phát triển của men răng (mDDE) nhằm phân loại tình trạng lâm  sàng của MIH và mức độ lan toả của tổn thương trên bề mặt răng liên quan cũng như các khuyết tật men răng khác.

Tuy nhiên, tại Việt Nam còn khá ít nghiên cứu về tình trạng MIH và việc sử dụng công cụ trên còn hạn chế. Năm 2021 - 2022 một nghiên cứu về tình trạng kém khoáng hoá men răng ở độ tuổi 7 - 9 tại một số trường tiểu học tại thị xã Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, kết quả MIH là (5,1%). Nghiên cứu khác tại một số trường THCS tại Bình Định, Thanh Hoá và Hải Phòng tỷ lệ này cao hơn khá nhiều với 20,1% học sinh có tình trạng MIH. Như vậy, việc sử dụng bảng kiểm được khuyến nghị của EDPA chưa được rộng rãi nên việc chi tiết hoá các tổn thương cũng như mức độ lan toả còn hạn chế. Hơn thế nữa, tỷ lệ mắc MIH rất dao động đòi hỏi cần có thêm nhiều nghiên cứu tương tự với các vùng địa dư khác nhau để có thể cho biết bức tranh tổng thể về tình trạng có MIH tại Việt Nam. Và đây cũng là cơ sở để lập kế hoạch can thiệp cho trẻ tình trạng kém khoáng răng hàm và răng cửa tại nước ta.

Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 474 học sinh THCS Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội năm 2023, nhằm đánh giá tình trạng kém khoáng hoá men răng hàm răng cửa (MIH) của học sinh.

Kết quả cho thấy tỉ lệ MIH là 10,8%, tổn thương chủ yếu ở răng hàm lớn thứ nhất hàm dưới, tổn thương kèm theo răng cửa chiếm tỉ lệ thấp. Tổn thương chủ yếu biểu hiện dưới dạng mờ đục, nhóm răng cửa với 99,7%, răng hàm lớn thứ nhất là 52,5%. Ở nhóm răng hàm lớn thứ nhất, phục hình không điển hình cũng chiếm tỉ lệ 20%. Tổn thương sâu răng và vỡ men răng chiếm tỉ lệ 12,1% và 13,2%. Tỉ lệ mất răng xuất hiện chủ yếu vùng răng hàm lớn thứ nhất với tỉ lệ 6,5% với R36 và 3,1% với R46. Mức độ lan toả của tổn thương phần lớn ít hơn 1/3 thân răng ở cả hai nhóm răng. Tỉ lệ mắc MIH không quá cao nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến các răng hàm lớn thứ nhất với tỉ lệ biến chứng như vỡ men răng, sâu răng, thậm chí là mất răng.

Kết quả của nghiên cứu này đã cung cấp các bằng chứng khoa học về tình trạng MIH bao gồm tỉ lệ mắc và các đặc điểm tổn thương trên đối tượng học sinh trung học cở sở tại một trường ngoại thành Hà Nội. Tỉ lệ mắc MIH tuy không quá cao, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến các răng hàm lớn với tỉ lệ biến chứng cao như vỡ men răng, sâu răng dẫn tới phục hình cho tổn thương, thậm chí là mất răng. Như vậy, cần đẩy mạnh công tác dự phòng, khám và phát hiện sớm tổn thương sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng nặng hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra vùng răng cửa ít bị ảnh hưởng trong tổn thương MIH, do đó trong thăm khám lâm sàng, cần lưu ý những trường hợp có tổn thương thứ phát sau kém khoáng hoá vùng răng hàm lớn thứ nhất như sâu răng, mất răng hoặc các phục hồi không điển hình. Trong các trường hợp này việc đánh giá các RHLTN còn lại là đặc biệt quan trọng trong việc xác định chính xác có tổn thương MIH. Trong việc thăm khám, việc sử dụng hỗ trợ đèn chiếu ánh sáng xuyên thấu sẽ giúp phát hiện chính xác các tổn thương.

Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 178, Số 5 (2024)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài