SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mức độ đề kháng và tỉ lệ vi khuẩn dai dẳng với colistin của các chủng Klebsiella pneumoniae

[22/07/2024 14:02]

Các tác giả Nguyễn Khắc Tiệp - Trường Đại học Dược Hà Nội, Thân Thị Dung Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, Phạm Hồng Nhung - Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện nghiên cứu với mục tiêu: Đánh giá mức độ kháng kháng sinh và tính tỉ lệ vi khuẩn dai dẳng liên quan đến colistin của các chủng K. pneumoniae phân lập từ Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai năm 2019 - 2021.

Klebsiellapneumoniae là căn nguyên gây bệnh thường gặp của nhiều nhiễm trùng cơ hội như: viêm phổi, áp xe gan, nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng đường tiểu, đặc biệt là tại các đơn vị hồi sức tích cực. Song hành cùng điều đó, vi khuẩn đang có mức độ đề kháng rất cao với nhiều loại kháng sinh, kể cả các loại kháng sinh dự trữ cuối cùng như: carbapenem, cephalosporin, floroquinolon. Vì vậy, colistin, kháng sinh có khả năng diệt khuẩn Gram âm và phối hợp hiệu quả với các thuốc khác, đã được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do K. pneumoniae đa kháng và trở thành một trong ba kháng sinh được sử dụng nhiều nhất, sau meropenem và imipenem. Mặt khác, ngay cả khi vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh trong các thử nghiệm in vitro, đôi khi lại không đem lại đáp ứng trên lâm sàng.

Các nghiên cứu gần đây đã cung cấp những bằng chứng quan trọng về vai trò của hiện tượng vi khuẩn dai dẳng với kháng sinh trong các nhiễm trùng dai dẳng và tái phát. Vi khuẩn có biểu hiện đặc tính này có thể thúc đẩy sự phát triển đề kháng kháng sinh. Gần đây, khái niệm và đặc điểm của hiện tượng này mới được công nhận trong một tuyên bố đồng thuận gồm một số lượng lớn các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực. Dai dẳng kháng sinh là hiện tượng một nhóm nhỏ vi khuẩn trong quần thể nhạy cảm, có khả năng tồn tại dưới tác dụng của kháng sinh diệt khuẩn. Hiện tượng được đặc trưng bởi sự tồn tại đồng thời cả hai quần thể vi sinh vật, với phần lớn vi sinh vật đáp ứng với kháng sinh như một quần thể nhạy cảm và phần nhỏ đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với kháng sinh. Điểm khác biệt lớn nhất của kiểu hình dai dẳng kháng sinh là không có sự tăng về giá trị MIC so với kiểu hình đề kháng. Các vi sinh vật dai dẳng với kháng sinh dừng hoạt động hoặc biểu hiện trạng thái ngủ đông, khi đó chúng không phát triển và giảm chuyển hóa so với trạng thái bình thường và vì vậy có khả năng dung nạp

247 chủng Klebsiella pneumoniae phân lập từ Trung tâm Hồi sức tích cực (HSTC) - Bệnh viện Bạch Mai năm 2019 - 2021 được xác định giá trị nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) colistin bằng phương pháp vi pha loãng.

Kết quả cho thấy tỉ lệ vi khuẩn kháng với colistin là 29,1%. Lựa chọn các chủng không kháng với colistin (có giá trị MIC ≤ 2μg/ml) thực hiện đánh giá tỉ lệ vi khuẩn dai dẳng với colistin sau 5 giờ và 24 giờ tiếp xúc kháng sinh. Tỉ lệ vi khuẩn dai dẳng với colistin sau 5 giờ và 24 giờ lần lượt là 23% và 19% (giá trị trung bình). Tỉ lệ vi khuẩn dai dẳng với colistin phân bố không đều và không tăng theo MIC.

Qua kết quả nghiên cứu 247 chủng K. pneumoniae phân lập từ Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai năm 2019 - 2021: vi khuẩn K. pneumoniae có tỉ lệ kháng với colistin tương đối cao (29,1%). Đối với các chủng không kháng, tỉ lệ vi khuẩn dai dẳng sau 5 giờ và 24 giờ tiếp xúc kháng sinh đều rất cao (lần lượt là 23% và 19%). Tuy nhiên, tỉ lệ này không tăng khi MIC tăng là một dấu hiệu tích cực.

Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 178, Số 5 (2024)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài