SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhiễm trùng do các trực khuẩn Gram âm thường gặp tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai năm 2023

[22/07/2024 15:04]

Nhiễm trùng do các trực khuẩn Gram âm đa kháng tại Trung tâm Hồi sức tích cực là vấn đề đáng quan ngại. Nghiên cứu thực hiện bởi Phạm Hồng Nhung - Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và Nguyễn Tuấn Linh - Bệnh viện Bạch Mai nhằm xác định vai trò của căn nguyên trực khuẩn Gram âm gây bệnh và mức độ nhạy cảm với kháng sinh của chúng trong năm 2023.

Nhiễm trùng do các trực khuẩn Gram âm đa kháng

Bệnh nhân tại các đơn vị hồi sức tích cực đều thuộc nhóm nguy cơ dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là các nhiễm khuẩn bệnh viện vì các bệnh nhân thường có các dụng cụ can thiệp và thường kèm thêm các bệnh lý nền. Trong các căn nguyên gây nhiễm trùng ở các đơn vị hồi sức tích cực, trực khuẩn Gram âm đa kháng là tác nhân gây bệnh thường gặp, chiếm ưu thế và cũng là một yếu tố làm tăng tỷ lệ tử vong cho các bệnh nhân tại các đơn vị hồi sức tích cực. Tổ chức y tế thế giới đã đưa ra danh sách 3 loài vi khuẩn ở mức cảnh báo quan ngại nhất bao gồm A. baumannii, P. aeruginosa và Enterobacterales kháng carbapenem.

Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai là nơi tiếp nhận các bệnh nhân nặng chuyển từ các khoa khác trong bệnh viện đến hoặc từ các bệnh viện thuộc miền bắc và miền trung. Các bệnh nhân ngay khi đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiễm trùng và tỷ lệ căn nguyên là 3 loài trực khuẩn Gram âm đáng quan ngại cũng chiếm tỷ lệ rất cao (76,5%). Thêm nữa là các nhiễm trùng bệnh viện khi điều trị tại đây càng làm cho tỷ lệ trực khuẩn Gram âm gây bệnh, đặc biệt là các trực khuẩn Gram âm đa kháng tăng cao hơn.Các ca nhiễm trùng bệnh viện do các trực khuẩn Gram âm đa kháng làm gia tăng tỷ lệ mắc và tử vong, thời gian nằm viện và chi phí điều  trị  nên  việc  phát  triển  các  thuốc  kháng sinh mới hoặc các kháng sinh β-lactam cũ phối hợp với các chất ức chế β-lactamase mới có hiệu quả với các loại vi khuẩn này là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, kể cả là các thuốc mới, thậm chí chưa từng được sử dụng cũng không có nghĩa là có hiệu quả hoàn toàn trên các quần thể vi khuẩn đa kháng. Để có thể xây dựng được phác đồ kháng sinh điều trị phù hợp cho chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại Bệnh viện Bạch Mai cũng như để cung cấp dữ liệu cho các bác sĩ Hồi sức tích cực trong việc lựa chọn kháng sinh điều trị theo kinh nghiệm thì dữ liệu tích lũy cập nhật về mức độ nhạy cảm với các kháng sinh của các trực khuẩn Gram âm gây bệnh thường gặp tại Trung tâm Hồi sức tích cực là cơ sở quan trọng.

Nghiên cứu mô tả cắt ngang với chủng vi khuẩn Gram âm phân lập được từ các bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2023. Số lượng chủng phân lập được của mỗi loài không đủ 30 chủng.

Kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho thấy 3 loài A. baumanii, K. pneumoniaae và P. aeruginosalà tác nhân hàng đầu gây bệnh. Các vi khuẩn phân lập trong năm 2023 đều có mức độ nhạy cảm với các kháng sinh thấp đáng quan ngại kể cả với kháng sinh mới như ceftazidime/avibactam và tỷ lệ nhạy cảm này thấp hơn của các chủng phân lập năm 2022 và các chủng phân lập được ở toàn bệnh viện. Nghiên cứu cung cấp dữ liệu giúp các bác sĩ lâm sàng có thể lựa chọn được kháng sinh điều trị theo kinh nghiệm phù hợp cho các nhiễm trùng do một số nhóm trực khuẩn Gram âm có nguy cơ kháng carbapenem khi chưa có kết quả kháng sinh đồ.

Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 178, Số 5 (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ