SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ẩn dụ ý niệm tình yêu là cuộc hành trình trong Ca dao Nam Trung Bộ

[23/07/2024 08:27]

Từ góc nhìn ngôn ngữ học tri nhận, tác giả đã khai thác tư duy, văn hóa của con người Nam Trung Bộ về tình yêu. Thông qua đó, khẳng định giá trị văn hóa của cứ liệu ca dao Nam Trung Bộ và vai trò của ẩn dụ trong đời sống con người.

Để làm rõ tư duy, văn hoá của con người Nam Trung Bộ về tình yêu đôi lứa, nhóm tác giả Đào Duy Tùng (Trường Đại học Cần Thơ), Đoàn Thị Phương Lam (Trường Đại học Trà Vinh) đã áp dụng Quy trình nhận dạng Ẩn dụ ý niệm (Tùng, 2015) để tiến hành khảo sát, thống kê, phân loại trên nền tảng cứ liệu Ca dao Nam Trung Bộ, phần Tình yêu đôi lứa (gồm 909 bài ca dao). Kết quả thu được, có 384/909 bài chứa ẩn dụ ý niệm Tình yêu là cuộc hành trình (chiếm 42.5%). Ẩn dụ này có hai ẩn dụ bậc dưới:

Tình yêu là cuộc hành trình trên cạn (306/384 bài, chiếm tỉ lệ 80%)

Ẩn dụ này được mô tả bằng lược đồ ánh xạ như sau:

Thông qua phân tích nhiều cứ liệu (xem toàn văn tại bài viết được trích dẫn), tác giả đã đưa ra kết luận: “Có thể thấy ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH TRÊN CẠN có cơ sở kinh nghiệm từ sự tương tác của con người trong môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa-xã hội. Trải nghiệm tình yêu là trải nghiệm tự nhiên - văn hóa được tri nhận qua kinh nghiệm, vốn bắt nguồn từ hoạt động thuần tự nhiên trong thế giới hiện thực, cuộc hành trình. Nói cách khác, trải nghiệm cuộc hành trình là trải nghiệm của tri giác, vận động, có tính cụ thể, được phác họa rõ nét, do đó được dùng để tri nhận tình yêu, vốn có tính trừu tượng, được phác họa ít rõ ràng.

Tình yêu là cuộc hành trình trên sông nước (78/384 bài, chiếm tỉ lệ 20%)

Ẩn dụ này được mô tả bằng lược đồ ánh xạ như sau:

Thông qua phân tích các ánh xạ (Xem nội dung đầy đủ tại bài viết được trích dẫn), tác giả đã đi đến kết luận: Có thể thấy, các tương quan trong cấu trúc tri nhận cuộc hành trình trên sông nước - tình yêu được hình thành qua quá trình trải nghiệm, nhận thức, chiêm nghiệm về sông nước. Do đó, TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH TRÊN SÔNG NƯỚC có cơ sở từ trải nghiệm thể chất nhưng phần nào được định hình bằng tri thức văn hóa

Kết luận

Ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH (TRÊN CẠN/ TRÊN SÔNG NƯỚC) sử dụng các mô hình suy luận từ miền ý niệm nguồn cuộc hành trình để lí luận về miền ý niệm đích tình yêu một cách có hệ thống. Sự tương quan mang tính hệ thống giữa cuộc hành trình và tình yêu là những ánh xạ ẩn dụ, theo quy luật dùng ý niệm cụ thể để nhận thức ý niệm trừu tượng. Miền đích tình yêu được hiểu thông qua miền nguồn cuộc hành trình phần lớn là vô thức, chỉ khi phân tích, mới hiểu được cơ chế ánh xạ. Đây cũng chính là cơ sở của ý niệm ẩn dụ: tính trải nghiệm của tâm trí, tính vô thức của tri nhận và tính ẩn dụ của tư duy. Ẩn dụ ý niệm TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH (TRÊN CẠN/ TRÊN SÔNG NƯỚC) được lí giải dựa trên những trải nghiệm trực tiếp, tự nhiên. Bởi lẽ, ý niệm cuộc hành trình là sản phẩm của trải nghiệm vận động cơ thể trong môi trường vật chất, là hoạt động đi lại; sự điều khiển phương tiện ghe, thuyền, đò, chèo; và sự tương tác giữa người với người trong bối cảnh văn hóa xã hội Nam Trung Bộ.

TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH (TRÊN CẠN/ TRÊN SÔNG NƯỚC) được phân tích qua cấu trúc gồm bốn yếu tố cơ bản: 1.bạn đường; 2.điểm xuất phát/ khởi hành; 3.đoạn đường phải vượt qua; và 4. đích đến. Các tương quan ánh xạ ẩn dụ: 1.bạn đường - người đang yêu; 2.điểm khởi hành - nơi tình yêu bắt đầu; 3.đoạn đường phải vượt qua - những khó khăn, trắc trở, vui buồn trong tình yêu; và 4.đích đến - mục tiêu của mối quan hệ, hai người ở bên nhau. Cả cuộc hành trình trên cạn và cuộc hành trình trên sông nước, trên cơ bản là giống nhau ở cấu trúc các thành tố, chỉ khác nhau ở cách dùng biểu thức ẩn dụ. Cả hai đều có cơ sở trực tiếp từ trải nghiệm hoạt động đi lại trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Tuy cả hai ý niệm đền có cơ sở từ trải nghiệm vật lí, nhưng cuộc hành trình trên sông nước được định hình bằng tri thức văn hóa có phần đậm nét hơn.

Tạp chí Khoa học, trường Đại học Cần Thơ, số 8, 2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ