SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Biến đổi khí hậu và biến đổi xã hội ảnh hưởng đến sốt xuất huyết

[24/07/2024 13:49]

Mặc dù người ta biết biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự phân bố của bệnh dịch nhưng sự kết hợp của nó với môi trường xã hội ảnh hưởng đến bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam như thế nào vẫn còn là một dấu hỏi.

 

Một cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, bên dưới đầy rẫy chất thải, cành cây…, có thể là điều kiện môi trường cho muỗi lây truyền bệnh.

Ảnh: Shutterstock

Đó là vấn đề mà các nhà khoa học ở Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London, Trạm nghiên cứu thủy lực Wallingford (Anh) và các các nhà nghiên cứu ở Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TPHCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và các trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, Đồng Nai, Hà Nội cùng tham gia giải quyết. 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong. Tác nhân truyền chủ yếu là muỗi vằn (Aedes aegypti). Gánh nặng bệnh tật của sốt xuất huyết ngày một gia tăng khi các đợt bùng phát thành dịch ngày một diễn ra nhiều hơn, và hơn nữa, mở rộng về mặt địa lý tới các vùng vĩ độ cao, tới những vùng trước nay chưa từng có dịch. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đi kèm với sự biến thiên nhiệt độ, lượng mưa, nhiệt độ nước… đã tác động đến vô số quá trình sinh học của muỗi. Tuy nhiên ảnh hưởng này có định hình xu hướng lan truyền và phân bố của muỗi không? Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Anh đã sử dụng bộ dữ liệu giám sát bệnh sốt xuất huyết được thu thập hằng tháng trong vòng 23 năm (1998-2020) ở các bệnh viện cấp tỉnh để tìm hiểu những tương tác qua lại của khí hậu, các động lực môi trường xã hội ảnh hưởng đến sự xuất hiện của bệnh ở Việt Nam.

Bộ dữ liệu cho thấy, sốt xuất huyết gia tăng trên khắp Việt Nam, trong đó miền Nam thường duy trì ở mức cơ bản trong khi miền Bắc thường bùng phát ngẫu nhiên, chủ yếu ở Hà Nội và ĐBSH. Các nhà khoa học đã nhìn thấy có xu hướng gia tăng ở các vùng Nam miền Trung, ĐBSH và một số phần của Nam Bộ.  Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến xu hướng này là 1) Tình trạng đô thị hóa, di cư và cải thiện cơ sở hạ tầng. Sự mở rộng đô thị, mật độ dân số, di cư, khả năng tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh nhìn chung chủ yếu xuất hiện ở các vùng trọng điểm kinh tế như Hà Nội, TPHCM; 2) Động lực theo mùa và không gian là cơ sở hạ tầng đô thị, nhiệt độ và khí tượng; 3) Sự di cư của con người ngày một lớn ở miền Bắc; 4) Biến đổi khí hậu tái định hình vùng địa lý lây truyền của sốt xuất huyết; 5) Ảnh hưởng của khí tượng ở nhiều quy mô và bị biến đổi do cơ sở hạ tầng địa phương. 

Các yếu tố liên quan đến cơ sở hạ tầng đô thị (chuỗi cung cấp nước, điều kiện vệ sinh, sự tăng trưởng dài hạn) là những yếu tố dự báo liên quan lớn nhất đến tình trạng mắc. Khi phân tích vào các vai trò của đô thị hóa và cơ sở hạ tầng như động lực lan truyền về không gian của sốt xuất huyết, các nhà nghiên cứu nhận thấy nước và cơ sở hạ tầng vệ sinh là những yếu tố quyết định về mặt không gian về nguy cơ sốt xuất huyết còn quan trọng hơn là môi trường đô thị. Sự gia tăng khả năng tiếp cận công trình vệ sinh là yếu tố dự báo quan trọng nhất. Điều này thật bất ngờ vì người ta vẫn nghĩ cải thiện điều kiện vệ sinh chỉ làm giảm nguy cơ ở cấp độ hộ gia đình. 

Dẫu ở các vùng ven đô hoặc thị trấn vẫn có điều kiện giảm vector truyền bệnh nhưng ở nơi mật độ dân số cao và khả năng tiếp cận nước máy thì vẫn xuất hiện các đợt bùng phát.

Sự tương tác giữa khí hậu và động lực kinh tế xã hội lên sốt xuất huyết gợi ý đến những giám sát bệnh ban đầu ở một số vùng khí hậu có nguy cơ. Ngoài ra, cần ưu tiên can thiệp theo không gian để kiểm soát vector lây truyền ở địa phương có trữ lượng nước cao nhất vào mùa khô hoặc hạn hán cùng với sự phát triển các mô hình dự báo chính xác cấp địa phương có tính thêm sự tương tác giữa khí hậu – kinh tế xã hội. 

Những phát hiện được nêu trong bài báo “Interactions between climate change, urban infrastructure and mobility are driving dengue emergence in Vietnam”, được xuất bản trên Nature Communications.

Tạp chí Tia Sáng (ntptuong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài