Nhận thức của giáo viên phổ thông về các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc
Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Võ Anh, Nguyễn Thị Ngọc Xuân đã cung cấp thực tiễn nhận thức của giáo viên phổ thông về xây dựng trường học hạnh phúc thông qua bảng câu hỏi khảo sát dựa trên 03 nhóm tiêu chí. Nghiên cứu đã đi đến kết luận: việc nâng cao nhận thức về trường học hạnh phúc cho giáo viên phổ thông nói riêng và giáo viên các cấp nói chung rất quan trọng cần được quan tâm hơn nữa. Bên cạnh đó, cần đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm tăng hiệu quả trong xây dựng trường học hạnh phúc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy đa phần giáo viên đánh giá nhận thức của mình về các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc tại các trường học phổ thông ở mức trung bình đến khá. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định trong nhận thức về tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc của giáo viên phổ thông. Vì vậy, tác giả đã đề xuất 04 giải pháp giúp nâng cao nhận thức của giáo viên phổ thông về trường học hạnh phúc, gồm:
Một là, đổi mới và sáng tạo phương pháp dạy học: Nhà trường cần đưa ra các khóa học, đào tạo cho giáo viên về các kĩ năng, phương pháp giáo dục và quản lí lớp học phù hợp cho việc xây dựng trường học hạnh phúc. Bổ sung thông tin, phát triển năng lực xây dựng trường học hạnh phúc cho đội ngũ cán bộ và giáo viên mới, trẻ.
Hai là, thay đổi mục tiêu giáo dục: Đối với mục tiêu giáo dục chuyển từ việc dạy học chú trọng phát triển kiến thức kĩ năng sang chú trọng phát triển năng lực phẩm chất, việc chuyển đổi này khiến nhà trường, thầy cô linh hoạt hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình; có nhiều không gian để sáng tạo và đem lại cho học sinh, giáo viên nhiều giá trị. Thầy cô, học sinh, nhà trường và gia đình có thêm nhiều cơ hội được hạnh phúc hơn. Đối với xây dựng văn hóa nhà trường, khi văn hóa nhà trường được xây dựng dựa trên các nguyên tắc: được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn, được hiểu và được có giá trị sẽ giúp cho việc xây dựng các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
Ba là, cần tạo ra một môi trường học tập thân thiện: Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các lớp học nghệ thuật, thể thao và các hoạt động khoa học, giúp tạo ra một môi trường học tập thân thiện và đầy thú vị cho học sinh. Qua các hoạt động bổ ích đó, cả thầy cô và học sinh trở nên gắn kết và hiểu hơn về giá trị hạnh phúc tại trường học. Giáo viên nên tương tác với học sinh và tạo sự gắn kết nhằm giúp lắng nghe ý kiến của người học và tạo ra một tinh thần hợp tác giữa giáo viên và học sinh để giúp học sinh cảm thấy hạnh phúc và an tâm hơn trong học tập.
Bốn là, phối hợp và hợp tác với gia đình, cha mẹ học sinh: Thúc đẩy phụ huynh tạo điều kiện cho nhà trường về cơ chế, chính sách để nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục và phát triển. Nhà trường cần tổ chức các phiên họp với phụ huynh nhằm trao đổi về cách giúp con em mình cảm thấy hạnh phúc khi đến trường và tăng cường sự đồng tình trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Do vậy, phụ huynh cần phối hợp tốt với nhà trường trong việc rèn luyện và giáo dục con cái, đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường. Cần sự tôn trọng nhiều hơn nữa của xã hội và các bậc phụ huynh đối với đội ngũ giáo viên và những người làm công tác giáo dục.
Kết quả đánh giá nhận thức của giáo viên phổ thông về tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc cho thấy mức độ nhận thức của giáo viên ở các cấp phổ thông khá tốt đối với vấn đề nghiên cứu. Mặc dù vẫn còn một số cán bộ giáo viên nhận thức chưa phù hợp, nhưng về cơ bản vẫn hiểu được bản chất của trường học hạnh phúc và các tiêu chí quan trọng, cần thiết để xây dựng và phát triển bền vững loại hình trường học này. Hành trình xây dựng trường học hạnh phúc không hề đơn giản, đó là một hành trình dài, nhiều khó khăn, trở ngại và thậm chí nhiều thử thách. Do đó, việc hiểu và nhận thức đúng bản chất và giá trị của trường học hạnh phúc ở giáo viên nói riêng và cả nhà trường nói chung là một trong những yếu tố chính góp phần rất lớn để xây dựng trường học hạnh phúc thành công. Với những biện pháp được đề xuất, hi vọng có thể góp phần áp dụng phù hợp và hiệu quả trong từng hoàn cảnh, mục tiêu và định hướng xây dựng trường học hạnh phúc thông qua nhận thức của cán bộ, giáo viên, góp phần tích cực thực hiện đạt chuẩn trường học hạnh phúc.
Tạp chí Khoa học trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh, tập 20, số 12 (2023)