SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mối liên quan giữa mức độ sao chép gen KIAA1199 với một số đặc điểm lâm sàng, giải phẫu bệnh của người bệnh ung thư đại trực tràng tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang năm 2022-2023

[25/07/2024 16:55]

Nghiên cứu do tác giả Dương Hồng Quân - Trường Đại học Y tế công cộng và các cộng sự đã thực hiện với mục tiêu nghiên cứu tiến hành nhằm xác định mức độ sao chép gen KIAA1199 ở mẫu mô đúc nến của người bệnh ung thư đại trực tràng (UTĐTT) và đánh giá mối liên quan giữa mức độ sao chép genKIAA1199 với một số triệu chứng lâm sàng, giải phẫu bệnh của người bệnh UTĐTT tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang năm 2022-2023.

Ảnh minh họa

Theo ước tính của Cơ quan nghiên cứu ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2020 thế giới có khoảng 1,9 triệu ca mắc, 0,9 triệu ca tử vong do ung thư đại trực tràng (UTĐTT). Ở Việt Nam, có khoảng 182,563 ca mắc mới và 122,690 tử vong do ung thư, trong đó UTĐTT xếp hàng thứ 5 sau ung thư gan, phổi, vú và dạ dày. UTĐTT là căn bệnh nguy hiểm với đặc điểm tiến triển nhanh, xâm lấn và khả năng kháng thuốc cao. Chẩn đoán UTĐTT giai đoạn sớm gặp khó khăn do không có/ít triệu chứng nên khi các triệu chứng lâm sàng điển hình của UTĐTT xuất hiện như chảy máu trực tràng, thiếu máu, đau bụng kéo dài... thì hầu hết người bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, ung thư đã xâm lấn hoặc di căn. Do vậy, chẩn đoán phát hiện sớm UTĐTT là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa di căn, giảm tỷ lệ tử vong, và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, ngoài các phương pháp chẩn đoán UTĐTT thông thường như khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp), giải phẫu bệnh, còn sử dụng các dấu ấn ung thư như CEA, CA19-9, KRAS, NRAS và BRAF để sàng lọc, chẩn đoán sớm, tiên lượng, theo dõi và hỗ trợ điều trị bệnh.

Sử dụng phương pháp thiết kế nghiên cứu cắt ngang trên 40 mẫu mô đúc nến và 40 hồ sơ bệnh án tương ứng của người bệnh UTĐTT được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện đa khoa Đức Giang năm 2022-2023.

Kết quả cho thấy: 26/40 mẫu (65,0%) được xử lý đạt yêu cầu về chất lượng tách RNA để đánh giá mức độ sao chép gen KIAA1199. Hơn thế nữa, 20/26 mẫu (76,9%) có mức độ sao chép gen KIAA1199 ở vùng mô u tăng mạnh hơn vùng mô lành và có mối liên quan có ý nghĩa thống kê về tăng mức độ sao chép gen KIAA1199 với mức độ biệt hóa mô, thể loại u ở người bệnh UTĐTT (p<0,05); Trong đó, người bệnh thể u sùi có tăng mức độ sao chép gen KIAA1199 cao gấp 11,3 lần so với người bệnh mắc các thể u khác (p<0,05). Tuy nhiên, không đánh giá được mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa mức độ sao chép gen KIAA1199 với một số đặc điểm mô bệnh học về vị trí u, số lượng u, típ mô bệnh học, mức độ xâm lấn thanh mạc, di căn hạch, giai đoạn bệnh phân loại theo TNM (p>0,05).

Qua nghiên cứu, mức độ sao chép gen KIAA1199 ở vùng mô u tăng mạnh hơn vùng mô lành và đánh giá được mối liên quan có ý nghĩa thống kê về tăng mức độ sao chép gen KIAA1199 với mức độ biệt hóa mô, thể loại u ở người bệnh UTĐTT (p<0,05).

Tạp chí Khoa học Nghiên cứu Sức khỏe và Phát triển (Tập 07, Số 06-2023)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài